Hãy đăng bài và bài viết ca bn s đưc lên top tìm kiếm google

Diễn đàn SEO bài viết lên Google Search tốt nhất

Họ gọi tôi là thằng mọi đen. Họ hét lớn, "đ** m* m**, muốn ăn ít chuối không?" Lần nào tôi...

Thảo luận trong 'Thảo Luận Thể Thao' bắt đầu bởi Bóng đá 24h, 29/5/21.

  1. Họ gọi tôi là thằng mọi đen.
    Họ hét lớn, "đ** m* m**, muốn ăn ít chuối không?"

    Lần nào tôi chạm bóng, họ cũng giả tiếng khỉ.
    Không chỉ có vài người. Cả một đội quân cổ động viên của Lazio hồi derby della Capitale 2017 đấy.

    Cũng chả phải lần đầu tôi bị phân biệt chủng tộc, nhưng lần đó là tệ nhất. Thật là độc địa, chỉ cần nhìn vào mắt họ là thấy rõ hết.

    Lúc đó tôi chả phản ứng gì cả, tôi không muốn lũ đó biết là bọn nó đã chọc ngoáy được tôi. Tôi chỉ bước đi chậm rãi trên sân. Tôi không muốn muốn bộc lộ cảm xúc nhiều. Nhưng trong lòng kia kìa, không cần biết bạn mạnh mẽ cỡ nào, nếu bạn là một con người với trái tim còn đập, bạn sẽ không đời nào quên được chuyện này.

    Khi mấy chuyện như thế diễn ra, thế giới phản ứng ra sao nhỉ?

    Mọi người bảo, "Ôi! Thật là tồi tệ". Các đội bóng hay cầu thủ thì post lên instagram: "Ngưng phân biệt chủng tộc đi nào!". Nhiều người làm như thể "Chỉ là vài thằng ngu thôi ấy mà."

    Thì người ta cũng điều tra đó, rồi có những chiến dịch truyền thông lớn, xã hội dần được xoa dịu, chuyện rồi lại cũng đâu vào đó.

    Chả có gì thực sự biến chuyển.

    Nói thử xem nào, sao báo chí, cầu thủ và người hâm mộ lại shut down Super League chỉ trong 48 giờ, nhưng khi xuất hiện sự phân biệt chủng tộc rõ ràng ở trên sân hay trên mạng, ai cũng như thể "Ờ… chuyện này hơi nhạy cảm..."?

    Cũng có thể là do những người thiển cận không chỉ xuất hiện ở trên sân. Có thể là mọi thứ phức tạp hơn nhiều.

    ***

    Bạn biết đó, tôi hay nhớ tới Daniele De Rossi. Anh ấy tới chỗ tôi khi trận đấu với Lazio kết thúc và nói với tôi vài điều mà chắc trước đó tôi hiếm khi được nghe. Tôi vẫn đang ấm ức trong lòng, đầy căm phẫn. De Rossi ngồi xuống cạnh tôi và nói, "Toni, chắc anh sẽ chẳng bao giờ hiểu cảm giác của chú đâu, nhưng anh sẽ muốn biết cảm nhận của em, em đang thấy ổn chứ?"

    Anh ấy không tweet. Không làm gì trên mạng xã hội cả. Chỉ đơn giản là quan tâm.

    Rất nhiều người nói này nói nọ công khai, nhưng cảm giác như họ không thực sự để tâm tới chuyện đó. De Rossi thực sự muốn biết tôi nghĩ gì. Anh ấy là một biểu tượng thực thụ. Một huyền thoại. Khi tới phòng thay đồ của Roma lần đầu, việc nhìn thấy Daniele làm tôi cảm giác mình như một đứa trẻ lo lắng.

    Nhưng trong những lúc tôi chìm sâu, De Rossi đã tới và hỏi han tôi, điều đó thật tử tế.

    Có thể là tôi làm phật lòng vài người khi nói về mấy chuyện này nhỉ? Nhưng cả thế giới sẽ xem trận chung kết Champions League vào cuối tuần này, nên tôi muốn dùng tiếng nói của mình để tạo ra chút ảnh hưởng.

    Không đơn thuần chỉ là cuộc nói chuyện trong 10 phút, hay status gì trên insta đâu. Đây là cuộc sống của tôi.

    Vậy… Bạn có muốn nghe thêm, và thấu hiểu những gì tôi đã trải qua không?

    ***

    Khu tôi ở, có một quy tắc mà ai cũng rõ.

    Bất kể bạn là ai, nếu bạn lớn lên ở Berlin - Neukölln như tôi, hay mấy khu ngoại ô của Paris, hay bất kỳ khu của dân nhập cư nào trên thế giới, bạn sẽ biết quy tắc đó: Nếu bạn thấy mẹ của ai đó xách một đống đồ nặng từ chợ hay đâu đó, bạn phải dừng công chuyện của mình lại và phụ cô ấy.

    Không quan trọng rằng bạn có xém choảng nhau với con của cô ấy trước đó 5 phút trên sân bóng hay gì, phải giúp cô ấy mang đống đồ về nhà, đó như là nghĩa vụ vậy.

    Đó là một quy tắc ngầm, bạn có thể có gốc gác và ngôn ngữ khác nhau, nhưng khi sống cùng một khu thì phải biết "kề vai sát cánh".

    Kể cả khi mọi người đều "khốn đốn", thì chúng tôi "khốn đốn" cùng nhau luôn.

    Thế giới này lạnh lùng lắm. Nhưng với con người, phải luôn ấm áp, nhân hậu. Đó là điều đầu tiên tôi được dạy khi còn bé.

    Không may, đời vẫn còn nhiều bài học không mấy dễ chịu mà bạn phải đón nhận dù muốn hay không.

    ***

    Một ngày nọ, đang đi dạo hóng gió gần khu nhà tôi thì thấy một phụ nữ Đức xách mấy giỏ đồ từ hàng tạp hóa. Trông cô ấy khá lớn tuổi, có vẻ lóng ngóng. Tôi tới và đề nghị giúp đỡ: "Tôi giúp bà cầm đống đồ nhé? Sẽ đỡ cồng kềnh hơn nhiều đấy!".

    Và tôi sẽ không quên được khuôn mặt khiếp đảm của người phụ nữ này khi nhìn tôi.

    Cô ấy nghĩ tôi đang cố cướp cái túi xách của cổ.
    Cô ấy thực sự nghĩ tôi muốn ăn cướp.

    Đó là khi tôi nhận ra, một số người sẽ luôn nhìn tôi bằng ánh mắt đó, ha? Tôi sinh ra ở đây, nhưng tôi sẽ không bao giờ được xem là một người Đức, đối với một vài người Đức.

    Nhiều lúc cảm xúc của bản thân khiến tôi bối rối, Đức mang tới cho gia đình tôi mọi thứ. Bố mẹ tôi là những người tị nạn từ cuộc nội chiến ở Sierra Leone. Không phải ai cũng thực sự biết điều gì đã xảy ra ở đó. Châu Phi có gì? Chỉ là vài hình ảnh trên TV, những đứa trẻ đói khát với cái bụng bự. Bạn cảm thấy xót xa về điều đó trong một giây, sau đó bạn chuyển kênh. Đó là châu Phi, đối với một số người. Đó là thế giới thứ ba, thế giới bị rơi vào quên lãng.

    Đó là sự quan tâm giả tạo.

    Khi từ một cuộc nội chiến đến một nơi tốt đẹp như Đức, ban đầu bạn sẽ bị sốc khi bạn bật tin tức lên và bạn thấy một con mèo mắc kẹt trên cây. Có người đã tự mình leo lên đó. Con mèo thì đang rùng mình. Rồi họ làm gì? Họ cử cảnh sát và xe cứu hỏa đến cứu con mèo nhỏ này. Mọi người quây quần bên gốc cây. Có người thì khóc lóc. Lính cứu hỏa leo lên thang, anh ta cứu được con mèo. Mọi người cho nó cái chăn và một bát sữa. Ai cũng hoan hô.

    Người lính cứu hỏa trở thành anh hùng. Con mèo cũng thành người hùng luôn.

    Rồi còn số phận của 2 triệu người phải di tản trong một cuộc nội chiến ở Châu Phi thì sao?

    Chỉ là một con số. Người ta khóc vì con mèo, còn với người dân Châu Phi thì họ còn chả muốn nhìn thấy.

    Dù vậy, tôi vẫn muốn làm rõ: Bố mẹ tôi luôn thấy biết ơn vì tới được Đức. Họ không coi Neukölln là một khu phố, mà họ thấy nó như thiên đàng luôn. Không còn tiếng súng. Không còn bom đạn. Ngon giấc trong đêm. Không giàu có, nhưng bình yên.

    Giàu của bọn tôi chắc cũng hơi khác biệt. Chỉ cần ăn ngon mặc vừa, không thiếu nước uống thì đã là giàu rồi. Nếu bạn có một dĩa cơm với cái đùi gà nhỏ thôi, hôm đó coi như bạn trúng mánh.

    ***

    Với tôi, bóng đá không phải là giấc mơ. Nó giúp tôi sinh tồn.

    Cũng giống như bạn chọn làm anh thợ sửa ống nước may mắn, thợ làm bánh hay luật sư. Đó là miếng cơm manh áo. Tôi sẽ không thành thật nếu nói rằng tôi mơ nhà cao cửa rộng hay được chơi ở Champions League hay gì đó. Không đâu, tôi chơi bóng vì muốn gia đình mình có cuộc sống tốt đẹp hơn thay vì ở mãi Neukölln.

    Tôi có thể nhớ chính xác khoảnh khắc khi tôi nhận ra điều này. Một buổi sáng, tôi bước vào bếp và xin mẹ một ít tiền. Tôi nghĩ đó là để dành khi đi học hoặc một cái gì đó. Nó chỉ là một vài euro. Nhưng bà không đưa được tiền cho tôi.

    Tôi nhớ chính xác điều gì đã làm tôi đau lòng. Mẹ đã không nói không. Đó là vẻ mặt của mẹ. Chúng tôi hiểu mẹ hơn bất kỳ ai khác. Điều khiến trái tim tôi tan nát là biểu cảm của mẹ, mẹ muốn cho tôi chút tiền, nhưng bà không thể.

    Tôi tự nhủ với lòng, đúng nghĩa đen, "Mình phải trở thành một thằng đàn ông. Mình phải vực gia đình này lên."

    Tôi mới có 8 tuổi. Nghiêm túc.

    Nếu không lớn lên trong khu của dân cư nhập cư, bạn có thể nghĩ tôi đang phóng đại. Nhưng cá độ với bạn luôn, còn có người hơn cả tôi cơ, "Tám tuổi? Anh bạn thật may mắn. Tôi phải trở thành một người đàn ông lúc sáu tuổi !!!"

    Người ngoài cuộc sẽ khó có mà hiểu được.

    Tôi vẫn nhớ khi Thomas Tuchel lên nắm quyền huấn luyện tại Chelsea, ông ấy có hỏi tôi ít chuyện. Dĩ nhiên rồi, chúng tôi đều là người Đức, nhưng vẫn chưa biết nhau, về mặt cá nhân ấy. Tôi đã có khoảng thời gian chật vật trước khi thầy Tú Chè đến, nên khi ông ấy tới, tôi nghĩ thầy sẽ rất muốn giúp tôi cải thiện.

    Ông ấy nói: "Toni, tôi hỏi chú cái này nhé. Tôi có xem qua vài trận đấu của chú rồi, và có vẻ như trên sân chú hơi bộc trực. Chú chơi bóng với rất nhiều biểu cảm. Điều đó xuất phát từ đâu thế?"

    Tôi kể cho ông ấy nghe về bản thân. Chúng tôi tâm sự cũng không lâu lắm, nhưng thật sự, tôi đã có thể chỉ nói đúng 1 từ duy nhất thôi.

    "Neukölln."

    Ngắn gọn, dễ hiểu.

    Tôi đã từng chơi rất hăng trên sân bê tông, đến nỗi giày của tôi rách bươm. Về cơ bản chúng là những đôi dép được "cách tân". Tôi máu chiến đến mức mọi người bắt đầu gọi tôi là Rambo.

    Tôi chơi như thể tôi khát khao chứng minh bản thân. Mà đúng là vậy mà.
    "Mày không thuộc về chỗ này đâu". - Biết tôi nghe câu đó bao nhiêu lần rồi không?

    Bạn có muốn đếm thử số lần người ta bảo tôi nên cút về Châu Phi không?
    Rồi cả số lần tôi bị gọi là thằng mọi đen?!

    Tám tuổi, tôi hỏi bố tôi, “Mọi đen là gì vậy ạ?”

    Mấy đứa nhóc ở trường đã ăn một loại kẹo của Đức được gọi là schoko küsse - kiểu như thanh kẹo ấy.

    Họ gọi đó là nigga küsse. Tôi không có khái niệm gì về từ đó cả. Nên khi tôi về nhà và hỏi bố, câu trả lời khiến tôi phải đăm chiêu.

    Bố tôi bảo, "Đó là từ mà lũ vô văn hóa thường dùng, con trai. Nhưng lý do mà những đứa trẻ ở trường dùng nó là vì cha mẹ chúng luôn thốt ra mấy từ như vậy ở nhà."

    Lớn lên, khi bị gọi bằng những từ khiếm nhã, bạn có thể chọn im lặng để giữ phẩm giá hoặc phản kháng.

    Tôi đã chọn phản kháng, rất nhiều lần. Đôi khi phản kháng đi kèm với máu và nước mắt nữa. Điều đó tạo nên tính cách của tôi như hôm nay.

    Nếu muốn đời như mơ, thì phải làm được những điều bản thân cho là đúng.

    ***

    Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày tôi rời gia đình năm 15 tuổi để gia nhập học viện Borussia Dortmund. Mẹ tôi khóc cả tuần. Bà không muốn tôi đi. Ngay cả khi nghĩ về kỉ niệm đó, bà vẫn còn rưng rưng. Nó mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, rất chạnh lòng.

    Nhưng tôi đã nói với mẹ, ngay trước khi đi, "Một ngày nào đó, con tin là tất cả điều này sẽ được đền đáp xứng đáng. Một ngày nào đó, gia đình ta sẽ lại sum vầy".

    Tôi nhớ mình đã đóng cửa trước và tự nghĩ: Mình đã bước ra ngoài một bước. Nhưng gia đình mình vẫn ở đây. Mình phải kéo họ theo.

    Đó là 13 năm trước, và nó ngỡ như vừa hôm qua.

    Tôi sẽ không bao giờ tin rằng một ngày nào đó mình sẽ được chơi trận Chung kết Champions League. Bạn có biết tôi đã lớn lên và chứng kiến bao nhiêu đứa nhóc thực sự tài năng trên những con phố không?

    Khi bạn đến từ một nơi như Neukölln, bạn không chỉ phải cạnh tranh với những cầu thủ tài năng khác để vươn lên. Bạn phải chiến đấu với sự xấu tính của mọi người. Khi còn là cầu thủ trẻ của VfB Stuttgart, tôi chưa bao giờ bị miệt thị như khi ở Ý. Nó ẩn ý hơn.

    Ngay sau một trận đấu tồi tệ, báo chí nhào vào xỉa xói ngay. Họ bới móc lý lịch của tôi lên.

    "Antonio Rüdiger, từ Berlin-Neukölln."

    Ôi, anh ta chơi bóng khá thô. Đã vậy còn cục cằn. Chắc hẳn là vì anh ta đến từ Neukölln.

    Nếu ai đó động tay động chân và có lý lịch đẹp, họ sẽ nói gì? Thật quyết liệt. Một thủ lĩnh trên sân.

    Và nếu bạn đến từ khu của dân nhập cư, ổ chuột? Thằng du côn bặm trợn!
    Sao nào? Dễ nhận ra chứ. Tính cách giống nhau, nhãn mác khác nhau.
    Khi tới Ý, sự phân biệt khó nhận ra hơn. Để tôi nói rõ: Tôi yêu nước Ý. Tôi yêu Roma. Ai cũng muốn ôm bạn và hôn bạn lần đầu tiên gặp gỡ. Đó là một nền văn hóa ấm áp. Ở đâu cũng có người này người kia. Nhưng một số người trong giới báo chí sẽ luôn muốn kiếm chuyện, điều đó chẳng hay ho gì cả.

    Trong trận Derby della Capitale đầu tiên của tôi, tôi không gặp vấn đề gì với ultras của Lazio. Không phân biệt chủng tộc. Nhưng trước trận derby thứ hai, tôi được phỏng vấn, một phóng viên hỏi tôi về thuyền trưởng của Lazio, Simone Inzaghi.

    Tôi bảo là, "Ồ, tôi thực sự không biết anh ấy, nhưng nghe nói anh ấy đang làm rất tốt cho họ."

    Ý tôi là tôi không hề biết anh ấy. Nhưng tay phóng viên đã vặn vẹo mọi thứ và làm cho có vẻ như tôi không tôn trọng Inzaghi. Giống như tôi bảo rằng không biết bố con Inzaghi là ai luôn. Anh ta cố tình thêm dầu vào lửa, vào những cú nhấp chuột. Đó là khi cỗ máy truyền thông vào guồng và bạn bất lực. Khi trận đấu diễn ra, tôi là kẻ phản diện, mọi người đều trở nên điên cuồng.

    Đó là lý do tôi luôn cười mỗi khi có người hỏi, "Sao người ta vẫn phân biệt chủng tộc vậy nhỉ? Ai lại hành xử kiểu đó?"

    Chà, chúng ta hãy nhìn kỹ hơn nào. Vào các khán đài.

    Điều gì xảy ra khi hooligan la ó trong một trận đấu? Những người xung quanh phản ứng gì? Hầu hết họ đều làm lơ. Có người còn cười hùa theo nữa. Họ không làm gì cả, bởi vì họ "vô tội".

    Hay đi xa hơn nữa nhé. Ngay cả những cầu thủ, chúng tôi là một phần của môn thể thao này. Đã bao nhiêu lần những cuộc trò chuyện sâu sắc như thế này xuất hiện trong phòng thay đồ? Không thường xuyên lắm đâu. Có vẻ như chúng ta đều không quá bận tâm để thực sự nói về điều này ngoài đời. Luôn có PlayStation, Instagram, lái xe, trận đấu tiếp theo - luôn có thứ gì đó khiến chúng ta phân tâm khỏi những cuộc trò chuyện nghiêm túc.

    Sao phải khó chịu? Tại sao lại than vãn về những thứ khiến chúng ta buồn? Có quá nhiều áp lực thường trực khi bạn lên tiếng.

    Vậy thì nên làm gì? Chúng tôi đăng gì đó lên Instagram. "Xóa bỏ phân biệt chủng tộc !!!!"

    Đăng, đăng, đăng. Cứ như điều đó lớn lao lắm. Chả có ảnh hưởng gì cả. Có gì thay đổi đâu.

    Tôi không hiểu được sao thế giới lại vận hành theo cách này. Nhưng tôi biết nó có mùi vị như thế nào.

    Đắng cay.

    Không chút ngọt bùi, chỉ có đắng cay.

    ***

    Có thể bạn thắc mắc không biết sao tôi lại nói về vấn đề này. Ừ thì nhìn vào mọi chuyện tôi đã trải qua với Chelsea mùa này đi. Mới 4 tháng trước tôi tưởng mình nằm xó rồi. Thời điểm đó, khi đọc những gì báo chí Anh viết về tôi, bạn sẽ không hình dung nổi tôi là ai đâu, con người đang thực sự ngồi ở đây này. Tôi còn không muốn biện minh gì với báo chí hay ai đó, vì tôi cảm giác rằng người ta còn chả thực sự biết tôi là ai.

    Có tên nhưng không có tuổi.
    "Rüdiger."

    Báo chí bảo sao thì mọi người thấy tôi vậy. Mọi thứ đi sai đường và tôi gặp khó khi cố bẻ lái, tôi không được thi đấu nhiều, tôi dễ bị biến thành vật tế.
    Có thể bạn đã từng lướt qua mấy mẩu tin về tôi đấy.

    Tôi là lý do khiến huấn luyện viên bị sa thải.
    Tôi có thái độ và tác phong không tốt.
    Những chỉ trích hướng về tôi thời gian đó thật hỗn tạp.

    Nói thật thì tôi cũng không nghĩ báo chí Anh chỉ trích vì tôi đến từ đâu hay màu da của tôi. Nhưng tôi muốn mọi người biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu người khác dành những lời không đúng về bạn. Nó là mặt tối không đáng có của nhân loại. Con người đã, đang và sẽ đồng hành cùng nhau trong một quãng thời gian dài như một xã hội cơ mà.

    Nhìn xem mọi thứ thay đổi nhanh như thế nào nhé. 4 tháng trước, báo đài nói rằng tôi vô dụng, Kai chơi không tốt, Timo cũng không khả quan hơn. Họ chẳng thèm quan tâm rằng Kai và Timo đã chuyển tới một quốc gia mới trong thời đại dịch và cần thời gian để thích nghi. Có vẻ như họ không cần biết bọn tôi là con người bằng da thịt hay là máy móc. Cũng không quá to tát đâu. Chỉ là bọn tôi không xứng đáng nhận phải những điều như thế.

    Giờ thì tụi này đang hiên ngang tiến đến trận Chung kết Champions League.

    ***

    Đây có thể là một bài học có ích cho tất cả mọi người. Có thể thôi. Vì tôi cũng không chắc lắm. Bởi nếu bạn muốn thật sự hiểu được một bài học nào đó, bạn phải biết cách chú tâm lắng nghe trước đã.

    Bao nhiêu người thật sự muốn lắng nghe?
    Bao nhiêu người nhìn thấy bài viết này và nhấp vào nút like chỉ bởi vì nó khiến họ cảm thấy thoải mái khi làm việc đó?
    Bao nhiêu người thật sự bỏ thời gian ra và đọc những dòng tâm sự này của tôi, và thậm chí là hiểu được chúng một cách sâu sắc?

    Bạn có biết điều gì hài hước không? Thỉnh thoảng mọi người bảo tôi, "Toni, sao ông hay để tâm mấy thứ này quá vậy? Chúng chỉ là một trò đùa trên mạng xã hội thôi mà. Toàn acc clone."

    Haha. Thôi nào.

    Vài tuần vừa qua, tôi nhận được không ít tin nhắn đến từ người hâm mộ và chúng đều có chung một thông điệp: "Toni, tôi xin lỗi."

    Quá rõ ràng, những lời này hoàn toàn không đến từ thế giới ảo. Chúng đến từ người thật, những người mà đang cố gắng xin một lời tha thứ vì sự phân biệt chủng tộc mà họ đã dành tặng tôi hồi tháng 1.

    Nhưng hãy tự hỏi xem, tại sao họ lại phải đi xin lỗi? Bạn có nghĩ rằng những con người này đã thật sự nhìn được cái sai của bản thân và quyết định thay đổi? Bạn có nghĩ rằng liệu họ đã dành thời gian trước gương và dằn vặt, "Ồ! Mình đã đối xử với Toni một cách quá tệ bạc."?

    Tôi thật sự cũng chả biết. Có thể có. Có thể không.

    Nhưng tôi biết một điều rằng câu lạc bộ đang trên đà chiến thắng. Và tôi thì hữu dụng đối với họ - những người hâm mộ. Hữu dụng đến độ trong mắt họ giờ đây, tôi đang được là một "con người".

    Tôi không cay cú những người đó trong lòng. Nhưng tôi muốn họ biết: Nếu bạn chân thành muốn xin lỗi, đừng nhắn gửi gì cho tôi cả.

    Rời mắt khỏi điện thoại liền. Ngừng tweet đi.

    Lấy cho bản thân ít kiến thức. Đọc một cuốn sách về lịch sử người da đen và thực sự mở rộng tâm hồn của bạn với trải nghiệm của những người khác. Điều này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc gửi tweet. Đó có lẽ là một khởi đầu tốt.

    Nghe nè, tôi không có khờ. Tôi không mong đợi mọi thứ sẽ thay đổi trong một sớm một chiều. Tôi không hy vọng thế giới bóng đá sẽ cùng nhau tiêu diệt nạn phân biệt chủng tộc trong 48 giờ giống như cách họ giết chết Super League.

    Chúng tôi sẽ không giải quyết vấn đề này bằng một chiến dịch truyền thông xã hội hoặc bằng bài viết này.

    Tôi đã nếm mùi đời quá nhiều để có thể giữ cho mình hy vọng như một đứa trẻ ngây thơ.

    Nhưng tôi không tuyệt vọng. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu - mãi mãi. Vì tôi biết ngoài kia vẫn còn những người quan tâm. Tôi biết có những người thực sự nghe thấy tôi.

    Tôi đang cố gắng lan tỏa năng lượng của mình tới mọi người, một cách chân thành.

    Bằng tất cả sự quyết tâm, tôi đã sẵn sàng cho trận Chung kết Champions League rồi này.

    Dành cho những người đã cùng tôi đau khổ, đã rơi lệ cùng tôi.
    Sẽ thật tuyệt vời, nếu vào thứ bảy này tôi nâng cao chiếc cúp, thì nó sẽ là dành tặng cho bạn, từ chàng trai đến từ Neukölln.

    Nguồn: Penalty / Dịch từ This Article Will Not Solve Racism in Football

    #bongda24

    [​IMG]