Tắt Quảng Cáo [X] Đăng Nhập để ẩn Tất Cả Quảng Cáo Một bài viết quá hay mà mình nhất định phải share, nhất là trong những ngày kết thúc một năm với nhiều tin không vui. Giống như mỗi lần thế là nhớ về những ngày xưa xưa, những giấc mơ xưa xưa và những quyển sách mình thích, bạn cũng như vậy đúng không? 1. Trong bộ truyện tranh Doraemon, tác giả Fujiko F. Fujio có dành ra một khoảng nhỏ kể về thời trẻ của ông Nobi – bố của nhân vật chính. Ở thời điểm thiếu niên và bên ranh giới của tuổi trưởng thành, Nobi là một cậu nhóc có phần vụng về yếu ớt nhưng luôn nuôi dưỡng niềm yêu thích đặc biệt với hội họa. Cậu vẽ thật nhiều, trở thành học trò của danh họa nổi tiếng, và cũng ước mơ được làm họa sỹ chuyên nghiệp trong tương lai. Nhiều năm sau, cậu học trò Nobi ngày nào đã thành người lớn, hàng ngày chen chúc trên những toa tàu điện ngầm chật chội để đến công sở làm việc, và về nhà khi trời đã tối. Vào ngày cuối tuần, có lúc ông Nobi đành phải lỡ hẹn chuyến đi dã ngoại với vợ con, bởi ông phải đến công ty làm việc đột xuất, hoặc phải đi chơi golf hay câu cá với sếp của mình. Thỉnh thoảng, ông về nhà vào lúc khuya, say mèm. Khi ấy, nhờ cỗ máy thời gian của cậu con trai, ông Nobi mới có thể trong chốc lát bộc lộ hết với người mẹ đã mất nỗi ấm ức dồn nén về ông trưởng phòng khó tính, để rồi sáng hôm sau, tỉnh rượu, lại trở về guồng quay bận rộn và áp lực như trước. Kí ức về giấc mơ nghệ thuật ngày xưa giờ chỉ còn thoáng qua trong giây phút ông gặp lại thầy giáo cũ, hay qua bức tranh ông còn giữ từ thời đi học. Khi Nobita – con trai ông cùng những người bạn hàng xóm say mê với các cuộc phiêu lưu kì thú nơi xứ sở khủng long hay hành tinh tím, ở một phía của thực tại, có những người lớn đang miệt mài lo toan cho cuộc sống hàng ngày, và cất vào sâu trong lòng những giấc mơ không thành hiện thực. 2. Tôi từng tự hỏi, những giấc mơ bị bỏ quên ấy rồi sẽ đi đâu, khi người ta không còn nghĩ nhiều hay thao thức về chúng? Ngày trước, trong một phim ngắn tôi từng xem, có một cậu bé luôn làm bạn với ước mơ của mình. Ước mơ ấy cũng có hình hài là một thiếu niên trạc tuổi cậu. Hàng ngày, cậu vui vẻ đến trường, về nhà, làm bài tập, chơi trò chơi cùng người bạn ấy. Cuộc sống của cậu bé nhiều sắc màu và ý nghiã hơn kể từ khi có người bạn. Nhưng rồi cậu cũng lớn lên, đi học thêm nhiều hơn, chịu nhiều tác động từ gia đình và thế giới bên ngoài, thời gian làm bạn với ước mơ dần hẹp lại. Và cuối cùng, một ngày nọ, người bạn ấy không còn chỗ trong ngôi nhà của cậu bé. Ước mơ của cậu chơ vơ đứng đằng sau cánh cổng, nhìn về phía trong với ánh mắt tiếc nuối. Nếu những giấc mơ được mang dáng hình, hẳn là giấc mơ của ông Nobi và của rất nhiều người lớn trên Trái đất này cũng từng đứng trước cánh cổng khóa trái, lẳng lặng dõi theo người bạn của mình, chờ đợi từng ngày tiếng mở khóa vang lên, để rồi bỏ đi trong tuyệt vọng. Nếu có một đại lộ dành cho những giấc mơ tan vỡ, chắc hẳn nơi đó luôn tràn ngập những ước mơ đủ loại, hàng đêm đơn độc bước đi trên đôi chân trần, đi mãi, đi mãi cho đến khi vì kiệt sức mà gục xuống. “Tôi bước đi trong cô độc […] Nơi đại lộ của những giấc mơ tan vỡ Nơi thành phố chìm sâu vào giấc ngủ Cái bóng là bạn đồng hành duy nhất cạnh tôi Trái tim nông cạn là thứ duy nhất đang đập khẽ Đôi lúc tôi ước một người nào đó ngoài kia sẽ tìm thấy mình” (Trích bài hát “Boulevard of broken dreams” – Ban nhạc Green Day) Hàng ngày, hàng giờ đều có thêm những giấc mơ đặt chân đến đại lộ tĩnh lặng ấy. Và rất có thể đến một lúc nào đó, khi người ta không còn muốn nhớ về những ước ao xưa, giấc mơ sẽ nhạt màu và tan thành tro bụi? Điều đó thật buồn phải không, khi dần hiểu ra rằng không phải giấc mơ nào cũng trở thành hiện thực, và không phải lúc nào con người ta cũng sống được như viễn cảnh mong muốn từ thuở thiếu thời? Như ông Nobi, rất nhiều người cũng từng mơ những giấc mơ thật đẹp, thật lớn, nhưng số người đi đến được tận cùng giấc mơ luôn ít ỏi. Điều gì đã xảy đến với những giấc mơ? Chẳng có điều gì quá khủng khiếp. Như một lẽ tự nhiên, giấc mơ đến khi ta còn bé, làm cuộc sống của ta thêm thú vị, mở ra bao cánh cửa mới trong tâm tưởng. Đến những ngã rẽ trong đời, ta chợt nhận ra không thể mang theo giấc mơ bên cạnh được nữa, vì vô vàn lý do: không có cơ hội, không đủ khả năng, không đủ kiên trì, thiếu vắng can đảm… Vậy là những giấc mộng cứ thế bị bỏ lại bên đường, như một món hành lý cồng kềnh không còn cần thiết. 3. Tôi từng cho rằng sự đối lập giữa giấc mơ và hiện thực của những người lớn như ông Nobi có điều gì đó thật chua chát và thảm thương, nhất là khi các phương tiện truyền thông luôn dồn dập phát đi các thông điệp kiểu như “Hãy theo đuổi đam mê, và thành công sẽ theo đuổi bạn”, hay “Nếu bạn không tự xây dựng giấc mơ cho chính mình, bạn sẽ đi xây dựng giấc mơ cho người khác”. Ước mơ từng quá rực rỡ, trong khi thực tại lại quá đỗi bình thường, tôi đã từng nhìn cuộc đời của những người lớn với so sánh như vậy, cho đến khi lớn thêm một chút, vấp ngã thêm đôi lần, chứng kiến thêm nhiều câu chuyện. Truyền thông có thể kể hàng loạt tấm gương thành đạt, nhưng ít có góc khuất nào tiết lộ nỗi buồn của những kẻ thất bại, hay sự trầy trật và căng thẳng của những kẻ chọn lựa con đường theo đuổi đam mê. Từng có một ngày tháng Năm, tôi nhận được tin cô bé mình quen từ bỏ con đường du học Mỹ sau 5 năm phấn đấu. Em đã kiên trì tự học tiếng Anh, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để thử thách bản thân, đã từng nộp đơn xin học hai lần. Câu chuyện của em lẽ ra cũng đã thành một ví dụ truyền cảm hứng như rất nhiều bài báo về học sinh Việt Nam giành học bổng từ đại học nước ngoài danh tiếng, nếu không tính đến một biến số vào cuối hành trình: Em không được đại sứ quán cấp visa sang Mỹ, dù em đã có học bổng và thư mời nhập học từ nhà trường. Những người như em sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trên những tít báo, ít độc giả sẽ vào đọc câu chuyện về những người đã nỗ lực hết mình nhưng may mắn chưa mỉm cười. Nhưng có lẽ cuộc đời này luôn vận hành theo những cách như vậy, không phải lúc nào cũng có happy ending. Dẫu vậy, đó cũng đâu phải là dấu chấm hết cho mọi thứ? Với những người chưa chạm tới được ước mơ như em, họ cũng đã trở về điểm xuất phát, nhưng có một điều chắc chắn là, họ đã không còn giống như trước đây, mà là một phiên bản giàu trải nghiệm, mạnh mẽ và chín chắn hơn. Sau hàng năm kiếm tìm học bổng, viết luận, tự học ngoại ngữ, em không còn là cô bé tỉnh lẻ ngày nào rụt rè giữa thành phố lớn, mà đã chủ động hơn trước những cơ hội. Và rất có thể một ngày nào đó, cơ hội sẽ lại mở cửa với em lần nữa. Còn với những người lựa chọn cuộc sống không gắn liền với đam mê thuở nhỏ như ông Nobi, họ có thể không trở thành xuất chúng, họ có thể là người đi xây dựng giấc mơ cho kẻ khác, nhưng chính họ cũng đã thành một phần cần mẫn không thể thiếu trong thế giới này. Giấc mơ vĩ đại hay khiêm nhường, giấc mơ thành hiện thực hay giấc mơ chỉ còn là ảo ảnh trong kí ức cũng đều là giấc mơ. Và cũng đừng vội cho rằng những ước ao không thành đã hoàn toàn tàn lụi. Chúng vẫn ở đó, như ở trong những bức tranh ông Nobi vẽ con trai từ khi cậu bé chào đời, hay trong khoảnh khắc ông bình thản cầm cọ vẽ đứng trong sân nhà vào một ngày nắng đẹp. 4. Trong lúc viết ra những dòng này, một cảnh trong bộ phim “You are the apple of my eyes” chợt vụt qua hồi tưởng của tôi. Đó là hình ảnh những người bạn cấp ba ngồi cạnh nhau trên bậc thềm gần biển, chân đung đưa, mỗi người lần lượt thổ lộ về ước mơ trong tương lai. “Tớ muốn thế giới này vì có tớ mà khác đi một chút” – Kha Cảnh Đằng – nhân vật chính nói sau một thoáng ngập ngừng. Nhiều năm sau, những đứa trẻ từng cùng ngồi nhìn lên bầu trời xanh rộng lớn năm ấy đều trưởng thành, không phải ai cũng đi đến tận cùng khát khao tuổi trẻ . Tuy vậy, giây phút họ đứng trước biển và nói ra ước nguyện của đời mình một cách trong sáng nhất hẳn đã trở thành một phần kí ức đẹp đẽ đi cùng họ đến mãi sau này. Tôi cũng chỉ giống như những đứa trẻ bên bờ biển ấy, mang giữ những giấc mơ của riêng mình và vẫn còn đầy bối rối về chúng. Tôi cũng chẳng thể khuyên ai nên làm gì với ước vọng của người đó, như cậu nhóc Nobita dẫu đã quay về quá khứ để gặp bố mình ở tuổi thiếu niên mà vẫn không thay đổi được tương lai bố cậu không phải là họa sỹ. Chỉ có một điều tôi vẫn luôn tin tưởng, đó là, dù tận cùng có như thế nào, thì giấc mơ vẫn luôn là món quà thuần khiết cuộc đời ban tặng cho con người. Có được một giấc mơ đã là một điều rất tuyệt, đã là có thêm một ánh lửa nhỏ dẫn đường để trái tim thêm ấm áp, để tâm hồn vốn có phần yếu đuối có thêm kiên nhẫn vững bước, không lạc lối giữa cuộc đời. Chỉ bấy nhiêu thôi, đủ để một giấc mơ không bao giờ là vô ích. Bài đã đăng trên tạp chí Trà Sữa Cho Tâm Hồn số 161 #j2team_share
Do you want to use free dropshoping and cheat air drop tools? Join the largest MMO group on Telegram at: Vui lòng đăng kí hoặc đăng nhập để thấy liên kết tại BigMMO now |//////////////////////////// Get FREE Here ✔️✔️✔️ Vui lòng đăng kí hoặc đăng nhập để thấy liên kết tại BigMMO