Tắt Quảng Cáo [X] Đăng Nhập để ẩn Tất Cả Quảng Cáo #j2team_relax Năm 1946, sau khi cô Nguyễn Thị Thanh ở Hà Nội về, bác Nguyễn Sinh Khiêm lên đường từ Nghệ An ra Hà Nội. Lúc đầu bác đi bộ từ huyện Nam Đàn ra ga Cầu Giát, Quỳnh Lưu, chừng 70 cây số. Lúc lấy vé tàu từ ga Cầu Giát, nhiều bà con đã chạy đến vây kín bác, ai cũng khẳng định đây là Bác Hồ cải trang để vi hành. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã vui vẻ cải chính với bà con, khẳng định mình chỉ là một người dân bình thường. Tàu đến ga Hàng Cỏ - Hà Nội, cụ vừa bước ra khỏi cổng ga thì đồng bào ở đây lại nhanh chóng ùa đến vây kín. Đông đảo bà con Hà Nội cứ khẳng định đây là Cụ Hồ cải trang vi hành xem xét tình hình. Bác Nguyễn Sinh Khiêm nói: "Thưa bà con. Tôi là một người dân xứ Nghệ, ra thăm Thủ đô, không phải là Cụ Hồ". Nhưng đồng bào không tin, mỗi lúc kéo đến mỗi đông, khiến người khách xứ Nghệ không thể đi được. May lúc ấy có một số chiến sĩ Công an phát hiện tình hình lạ, liền gọi điện báo cáo lãnh đạo Nha Công an TW. Nội dung báo cáo nêu rõ: "Có một cụ già nói giọng Nghệ Tĩnh, có râu, khuôn mặt rất giống Bác Hồ, nhân dân tin là Bác Hồ nên vây kín chưa đi được. Nhiều khả năng đây là người anh ruột của Bác". Lúc ấy, đồng chí Lê Giản - Giám đốc Nha Công an TW nghe báo cáo, chột dạ cử ngay cán bộ ra ga đón người khách. Khi được hỏi: "Thưa Cụ, có phải Cụ là anh trai Bác Hồ thì mời cụ lên xe chúng cháu đón về", bất đắc dĩ có lẽ vì cần thoát khỏi đám đông nên cụ Nguyễn Sinh Khiêm đã lên xe về Nha Công an TW. Biết chắc đây là anh ruột Bác Hồ, đồng chí Lê Giản mạnh dạn thưa chuyện: - Thưa bác, bác ra thăm Hồ Chủ tịch mà không thông báo trước để chúng cháu cho xe đón đỡ vất vả. Vừa nghe xong, cụ Nguyễn Sinh Khiêm trả lời ngay: - Ông làm chức trách Nhà nước mà ăn nói buồn cười. Lẽ đời thì em thăm anh, chứ anh nào thấy em làm to lại ra thăm. Tôi ra đây là thăm Thủ đô nước Việt Nam mới xem thế nào, chứ không phải thăm em làm Chủ tịch nước. Khi được nghe báo cáo chuyện anh Nguyễn Sinh Khiêm ra Hà Nội, Bác Hồ lặng đi, xúc động. Nhớ lần trước, lúc đang chủ trì cuộc họp quan trọng, khi nghe thư ký thông báo rất nhỏ là có cô Nguyễn Thị Thanh ra thăm, Bác Hồ bàng hoàng cả người, hai tay bám chặt vào bàn để kìm nén nỗi xúc động quá lớn; nhiều người lúc ấy thấy đôi mắt của Bác Hồ rớm lệ… Gần 40 năm xa quê hương vì việc nước, nay Bác Hồ mới gặp lại người chị ruột, và hôm nay lại được gặp người anh ruột. Nhưng tình hình năm 1946 rất phức tạp, nhất là về mặt trị an. Nhiều hôm Bác phải bí mật rời chỗ ngủ để tránh bọn Quốc dân đảng manh động. Nghe Bí thư Vũ Đình Huỳnh báo cáo, Bác Hồ căn dặn lại đại ý: - Nhờ chú Huỳnh lo tiếp anh tôi. Anh tôi ở tù ra, cũng thích uống rượu. Nhờ kiếm cho anh tôi một ít rượu trắng, loại ngon; một ít sách báo để anh tôi đọc. Cảm thông với anh là tối nay tôi sẽ đến... Đêm ấy, trời mưa. Bác Hồ hóa trang mặc áo the, đội ô đi bộ với hai người là Bí thư Vũ Đình Huỳnh và Thư ký Vũ Kỳ. Sau khi vào phòng làm việc của đồng chí Lê Giản, Bác Hồ cởi áo the ra. Đồng chí Lê Giản mở cửa phòng riêng. Vừa thấy anh trai, Bác Hồ chạy đến ôm lấy anh khẽ kêu lên: "Anh Cả!". Tiếng gọi tên anh Cả đầu tiên sau 37 năm trời xa cách biền biệt. Bác Nguyễn Sinh Khiêm cũng ôm lấy Bác Hồ rồi nghẹn ngào thốt lên: "Chú râu đã dài thế này à?". Rồi hai anh em ôm nhau khóc. Người thư ký nhẹ nhàng khép cửa lại rồi nhè nhẹ lui ra... Cụ Nguyễn Sinh Khiêm, người anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thông minh, có cuộc sống giản dị, phóng khoáng, giàu lòng thương yêu người nghèo khổ. Cụ từ trần ngày 15/10/1950 tại làng Kim Liên, hưởng thọ 62 tuổi. Bác Hồ nhận được tin anh Cả qua đời trong lúc đang bận công tác xa, không thể về được nên đã điện cho Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV bức điện số 1229 nhờ chuyển cho họ Nguyễn Sinh làng Kim Liên, nội dung như sau: Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước. 9/11/1950 Chí Minh Ảnh: Cụ Nguyễn Thị Thanh và cụ Nguyễn Sinh Khiêm Theo CAND Cre: Đường lên đỉnh Olympia