Tắt Quảng Cáo [X] Đăng Nhập để ẩn Tất Cả Quảng Cáo NGUỒN GỐC, BẢN CHẤT VÀ ĐẶC TÍNH CỦA BẢN NGÃ Bản ngã / Ego / Cái Tôi là một thuật ngữ vô cùng quan trọng trong lĩnh vực tâm linh, tôn giáo và triết học. Đạo sư Ramana Maharshi đã nói rằng, “Hãy suy xét bản chất của bản ngã: đó là quá trình giác ngộ.” Sự hiểu biết về bản ngã là bước tiến đầu tiên để nhận thức về bản thân. Tự do đích thực của linh hồn chỉ có thể đạt tới khi ta thoát khỏi ngục tù của bản ngã. 1. NGUỒN GỐC CỦA BẢN NGÃ Nhìn chung, bản ngã là một xu hướng tính cách tiêu cực trong mỗi con người, nó có thể có rất nhiều biểu hiện khác nhau. Nhưng mọi biểu hiện đó đều bắt nguồn từ một suy nghĩ gốc rễ duy nhất: “Tôi là cơ thể này.” Suy nghĩ này là nguồn cội của mọi xu hướng bản ngã diễn ra sau đó. Nó giống như một thuật toán đã được lập trình từ trước để khiến chúng ta bị cuốn vào ma trận nhị nguyên. Khi một người đồng hóa mình với một cơ thể, họ cũng đồng hóa với bất kỳ thứ gì liên quan đến cơ thể đó: danh xưng, quốc tịch, tiền của, ngoại hình, kiến thức, danh tiếng, uy tín,… và cho đó là “tôi” hoặc “của tôi”. Tất cả những điều này tạo nên một cái tôi cá nhân tách biệt với mọi thứ khác và khiến chúng ta mắc kẹt vào một nhân vật giả tưởng diễn ra trong tâm trí của chính mình. Nói ngắn gọn, bản ngã là sự đồng hóa với một cái tôi cá nhân diễn ra trong tâm trí. Bản ngã đơn thuần chỉ là những suy nghĩ về tôi (the I-thought). Khi tâm trí không hoạt động hoặc vượt ra khỏi những suy nghĩ về tôi, bản ngã biến mất. Điều này thường diễn ra khi chúng ta trải nghiệm một sự vắng lặng trong tâm trí hay khi chúng ta ngủ say. Hoặc khi chúng ta mơ, mọi vấn đề của cơ thể vật chất lẫn những vấn đề liên quan đến nó biến mất và chúng ta chuyển sang đồng hóa mình với nhân vật trong giấc mơ – chúng ta chuyển từ bản ngã này sang bản ngã khác. 2. NHU CẦU CỦA BẢN NGÃ Khi tự xem mình là một cơ thể, chúng ta đồng hóa mình với những cảm giác của các giác quan trong cơ thể. Điều này khiến chúng tay chạy theo những khoái cảm và cố gắng thỏa mãn mọi dục vọng phát sinh. Cơ chế này là bước đầu tiên tạo ra sự ích kỷ và tham lam trong mỗi con người. Bản ngã lúc nào cũng muốn những khoái cảm và sự thoải mái nên nó sẽ tìm mọi cách để vơ vét và chống lại bất cứ ai cạnh tranh với nó. Như một quân cờ domino, sự ích kỷ và tham lam sinh ra sự ganh ghét, hận thù, cạnh tranh. Khoái cảm này không chỉ về mặt thể xác và còn về mặt tâm trí, biểu hiện ở xu hướng hám danh, thích được sự chú ý, khen ngợi. Tất cả những điều này là động lực động lực sâu kín thúc đẩy chúng ta luôn muốn khẳng định giá trị của bản thân và trở thành người quan trọng bởi vì bản ngã đánh hơi được đó là những nơi nó có thể hưởng được nhiều lợi ích nhất. Nó là cái khiến chúng ta lao mình vào tìm kiếm tiền của, danh vọng, địa vị, người tình, các mối quan hệ,… Mọi mục tiêu của bản ngã đều liên kết chặt chẽ với nhu cầu gốc rễ của mong muốn được thỏa mãn dục vọng hoặc sự thoải mái. 3. NHỮNG XU HƯỚNG CỦA BẢN NGÃ Bản ngã tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, do đó nó tự tạo ra những đặc quyền và mong muốn riêng cho mình. Trong khi vũ trụ luôn diễn ra theo cách mà nó phải diễn ra, một dòng chảy tuần hoàn. Điều này đe dọa đến những kỳ vọng cố định của bản ngã. Do đó hai xu hướng cơ bản của bản ngã là chống cự và vồ bắt. Bản ngã không thể sống trong hiện tại và chấp nhận mọi thứ đang diễn ra. “Cái mà chúng ta gọi là tôi đơn giản chỉ là cơ chế mà tâm trí chúng ta sử dụng để chống lại cuộc sống như nó vốn thế. Theo cách đó, bản ngã không phải một thứ hay một hành động. Đó là sự kháng cự với cái gì đó đang diễn ra. Đẩy ra hoặc lôi kéo. Động thái bám lấy hay kháng cự này hình thành nhận thức về tôi là một cái gì đó khác biệt hoặc tách rời khỏi thế giới xung quanh.” – Adyashanti 4. SỰ ÍCH KỶ CỦA BẢN NGÃ KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI VIỆC YÊU THƯƠNG BẢN THÂN Một số người cho rằng việc sống ích kỷ và bảo vệ bản ngã của mình là một hành động yêu thương bản thân. Đây là một quan điểm sai lầm và chỉ đơn thuần là một sự lừa dối mà bản ngã thì thầm vào tai chúng ta. Bản ngã không hề quan tâm đến sức khỏe, sự phát triển và hạnh phúc đích thực của một cá thể. Nó đơn thuần là một cơ chế máy móc vô hồn nhằm đạt được ham muốn và bảo vệ sự tồn tại của chính nó. Cơ thể, tâm trí của chúng ta đơn thuần đang bị bản ngã lợi dụng. Trong thực tế, thay vì ăn uống và nghỉ ngơi điều độ để cơ thể được lành mạnh thì bản ngã trói buộc cơ thể vào khoái lạc thể xác mà nó muốn. Thay vì để cho tâm trí được tĩnh lặng và phát triển lành mạnh thì bản ngã bắt tâm trí suy nghĩ không ngừng cho đến khi hao kiệt và dắt tâm trí vào những cảm xúc có tần số rung động thấp như sợ hãi, lo lắng hay thậm chí là phấn khích. Sự phát triển trí tuệ thật sự không thể xảy ra đối với một bản ngã cố chấp và kiêu hãnh. Tâm thức rộng lớn không thể tự biểu hiện những khả năng của nó khi bị khuôn vào một tâm trí ích kỷ nhỏ mọn. Bản ngã không hề có tình yêu. Nếu bạn đồng hóa mình với bản ngã, bạn không thể yêu thương bản thân mình, do đó cũng không có khả năng yêu thương người khác. 5. TẠI SAO CHÚNG TA CẦN PHẢI THOÁT KHỎI BẢN NGÃ? Một số người cảm nhận rằng việc phát triển bản ngã mang lại cho họ một sự tiến bộ trong tâm thức. Bản ngã khiến họ cảm thấy tự tin, mạnh mẽ và nhiều động lực hơn so với tình trạng ù lỳ, thụ động ban đầu họ cảm nhận được. Điều này là một điều đúng đắn và có cơ sở. Theo thang đo tâm thức do Tiến Sĩ David Hawkins xây dựng trên một phương pháp luận khoa học có kiểm chứng, mức độ tâm thức của con người có thể được mô tả trong một hệ thống tính điểm dao động từ 0 đến 1000 (0 là điểm thấp nhất, điểm 1000 là giác ngộ viên mãn hoặc nhận thức thuần khiết). Ở những người có bản ngã thấp và kém phát triển, tâm thức của họ chỉ giao động trong vùng cảm xúc lãnh đạm, tuyệt vọng, hổ thẹn có điểm hiệu chỉnh nằm trong khoảng 20 đến 75. Đây là vùng tâm thức nằm dưới đáy của bản đồ, khi chủ thể không còn có động lực tồn tại, sống một cách vật vờ, phụ thuộc, tuyệt vọng, mất hết nguồn lực và quyền kiểm soát đối với cuộc đời của họ. Tuy nhiên, khi một cá nhân tiến lên vùng bản ngã, ở mức giao động của sợ hãi, ham muốn, giận dữ và kiêu hãnh, họ bắt đầu nắm lấy quyền tự chủ của cuộc đời mình, đoạt được nhiều nguồn lực và sống có ích hơn mức tâm thức phía dưới. Theo David Hawkins, đây là một bước phát triển tâm thức đáng kể và không phải là không mang lại lợi ích cho bản thân họ và những người xung quanh. Tuy nhiên, đó chỉ là một giai đoạn cần đi qua trên con đường phát triển tâm thức, và hầu hết nhân loại đều bị kẹt ở mức bản ngã này và khó di chuyển lên các mức tâm thức phía trên bản đồ. Mức độ 200 là một vạch ngăn cách trung dung, phía dưới 200 là vùng tâm thức dùng lực (force), còn trên mức 200 là vùng tâm thức dùng sức mạnh (power). Bản ngã chỉ luẩn quẩn dưới mức 200, tức là ở mức tâm thức đó, bản ngã phải luôn dùng lực để kháng cự lại các lực khác, luôn luôn có mâu thuẫn, đối nghịch và trắc trở. Trong khi vượt lên mức 200 là một bước tiến hướng đến sự phát triển thực sự của những nguồn sức mạnh nâng đỡ vô hạn, nguồn lực của sự gắn kết và tiến hóa. Đó là về mặt lý thuyết lâm sàng. Trong thực tế, khi chúng ta mắc kẹt với bản ngã, nguồn lực của chúng ta vô cùng bị giới hạn bởi sợ hãi, giận dữ, ham muốn. Niềm kiêu hãnh là một sự phát triển giả tạo cứng nhắc ngăn cản chúng ta đón nhận những sức mạnh cao hơn ở phía trên nhờ vào sự khiêm nhường học hỏi. Bản ngã luôn luẩn quẩn với thù ghét, phán xét, nơi mà những nguồn lực của chúng ta bị phí phạm vào những cảm xúc tiêu cực vô bổ và tạo điều kiện xảy ra xung đột. Ở bản ngã không chứa đựng sự bình an, trong khi hạnh phúc đích thực không thể tồn tại nếu không có bình an. Hạnh phúc của bản ngã vẽ ra nằm ở dạng phấn khích và khoái cảm, đó là một loại hạnh phúc nhất thời và luôn phải tăng mức độ để có thể tiếp tục thỏa mãn. “Bạn luôn có thể dễ dàng nhận ra được một thứ gì đó là đến từ ego bởi vì khi bạn có được nó bạn vẫn không thấy thỏa mãn.” — Eckhart Tolle Nói ngắn gọn, bản ngã thật sự là một nhà tù. “Thiên hướng của cái tôi là nó muốn được giảng đạo từ vị trí người Thầy – từ niềm tin rằng nó vượt trội hơn người khác, nó có những quyền nhất định để hưởng thụ, sở hữu lãnh thổ cũng như quyền lực – điều đó ngăn cản chúng ta tiến lên cấp độ mà ở đó sức mạnh, trí tuệ và sự vượt trội đích thực có thể đạt được.” – Shunyamurti Tác giả: Bá Kỳ #j2team_share #j2team_discussion
Sau khi đọc bài này tui thấy hơi mông lung, ego chính là các suy nghĩ tiêu cực nếu không có các suy nghĩ nghĩ tiêu cực đó thì không có ego, vậy lúc chúng ta thật sự loại bỏ đc ego, thứ mà chúng ta thầm nói chuyện trong tâm thức là gì nhỉ?