Tắt Quảng Cáo [X] Đăng Nhập để ẩn Tất Cả Quảng Cáo ***[Tâm sự mỏng sau buổi học đầu tiên tại J2School]*** Nhân câu chuyện bạn Long chia sẻ về nghề DataBase Architect, mình cũng có một vài nhận định về bản chất các công việc dưới góc nhìn cá nhân. Mình có sự so sánh thế này: > Chủ thầu = Data Analyst (DA) Kiến trúc sư = DataBase Architect (DBA) (không phải DataBase Administrator nha) Thợ xây = Coder Đối với chủ thầu hay một DA nói chung, thực chất công việc của chúng ta là “improve decision making” - làm sao để giúp KH đưa ra quyết định phù hợp nhất. Đối với việc xây nhà thì là quyết định xây kiểu nhà nào, chi phí bao nhiêu, xây ở đâu... (dù có thể một số phần đã được KH chốt sẵn), đối với việc kinh doanh là việc sẽ đưa ra tính năng sản phẩm nào mới hoặc sẽ lên chiến dịch MKT nhắm tới đối tượng KH tiềm năng nào … vv. Khi đưa ra một quyết định, cần dựa trên 2 yếu tố: Đó là thứ KH muốn hoặc đó là thứ KH cần. Vậy đối với một DA hoặc một chủ thầu, việc quan trọng nhất cần làm được đó là đáp ứng được mong muốn/nhu cầu của KH. Một chủ thầu chuyên nghiệp là người đưa cho KH một lựa chọn thỏa mãn mong muốn của KH, nhưng một chủ thầu thành công là người không chỉ đưa cho KH thứ họ muốn mà lựa chọn đó còn là thứ KH cần - khi này KH không chỉ cảm thấy hài lòng mà còn cảm thấy biết ơn. Tương tự, một DA thạo việc là người đưa ra được những bản phân tích dữ liệu đúng ý muốn của KH như dữ liệu chính xác, trình bày trực quan dễ hiểu..., nhưng một DA chuyên nghiệp phải là người đưa ra được giải pháp hiệu quả cho KH, cho doanh nghiệp với những dữ liệu đã được thu thập và phân tích. Khi đã hình dung được “ngôi nhà” mà KH mong muốn - hẳn nhiên sẽ phải có một giới hạn về ngân sách - thời gian - yêu cầu chất lượng cho việc xây dựng ngôi nhà đó, và đặc biệt như các bạn hay những người làm kinh doanh đều biết, nhu cầu của KH sẽ còn thay đổi hoặc muốn nâng cấp. Vậy đây là lúc một kiến trúc sư vào việc. Một kiến trúc sư giỏi là một người phải có khả năng thiết kế hệ thống hạ tầng cho việc xây dựng ngôi nhà sao cho: 1. Đảm bảo chất lượng - độ chắc chắn, bền vững của ngôi nhà. 2. Giúp việc xây dựng tốt ít thời gian, công sức, ngân sách nhất trong giới hạn. 3. Điều đặc biệt quan trọng đối với những nhà giàu có tới mức đi thuê kiến trúc sư - KH cần sự riêng tư và bảo mật. 4. Có khả năng sửa chữa và nâng cấp dễ dàng. Vì KH giàu mà, một ngôi nhà sẽ là nơi KH sinh sống và sử dụng thường xuyên nên việc muốn sửa chữa, nâng cấp là điều hiển nhiên. Điều này hoàn toàn tương tự với vị trí của một DBA. Một DBA giỏi là một người có khả năng đáp ứng mong muốn của KH nhưng một DBA xuất sắc thì cũng như trên, là người không chỉ đáp ứng mong muốn của KH mà còn có thể đưa ra những giải pháp tuyệt vời mà KH thực sự cần - như một hệ thống an ninh bảo mật tuyệt đối hay một thiết kế phòng quần áo ngăn giữa nhà tắm và phòng ngủ để đảm bảo an toàn cho KH sau khi tắm xong không bước vào phòng máy lạnh ngay lập tức (như thiết kế nhà a Độ mixi í), KH chắc hẳn phải bắt tay cảm ơn rối rít vị kiến trúc sư tài giỏi và tinh tế này nhiều lần. Khi những người lên ý tưởng đã hoàn thành tầm nhìn vĩ đại của họ, điều họ cần nhất bây giờ là gì? Đó chính là những người có khả năng thực thi chuẩn xác. Nếu như các bạn nghĩ công việc thợ xây - coder hay các công việc mang tính thực thi khác là thấp kém nhất trong 3 loại công việc, thì mình (dù là người không thường xuyên phản bác ý kiến người khác) cũng phải nói với bạn là bạn đã sai rồi. Mình từng đọc trong một cuốn sách về kinh doanh khá thú vị có một câu như đại ý sau “mọi bản kế hoạch đều giống một bức tranh, dù bạn có thể vẽ một bức tranh con cá trông đẹp đẽ và thật đến đâu, nó mãi mãi chỉ là một bức tranh, nó không phải một con cá”. Và KH thì sao, họ cần một ngôi nhà - một giải pháp - một sản phẩm - một con cá thật sự chứ không chỉ là một bức tranh viễn cảnh. Vậy nên công việc của một thợ xây - một coder cũng quan trọng và đáng trân trọng không kém bất cứ một kiến trúc sư hay một chủ nhà thầu nào cả. Một thợ xây được việc là một người có thể hiểu bản vẽ của kiến trúc sư và hoàn thành tốt công việc của mình đúng hạn, nhưng một thợ xây giỏi sẽ là người biết sắp xếp công việc của mình hiệu quả, có khả năng làm việc đội nhóm với các thợ xây khác để một ngày đi xây vui vẻ bớt nặng nhọc, là một người biết hệ thống công việc của mình một cách tối ưu để những người làm công đoạn sau có thể dễ dàng hoàn thành công việc của họ, như ông thợ sơn khi muốn sơn tường sẽ mong ông thợ xây trát tường tử tế. Một coder được việc là người có thể viết ra những dòng code chạy được nhưng một coder giỏi phải là một người biết sắp xếp, hệ thống cấu trúc code hiệu quả để khi chuyển giao người khác cũng sẽ dễ dàng sửa chữa, nâng cấp code nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bạn có thể thấy mức lương trung bình cho mỗi vị trí có thể chênh lệch khá lớn, thế nhưng hãy tỉnh táo với các con số. Đừng vội nghe con số 5000 đô mà đã nghĩ nếu theo nghề này mình cũng sẽ kiếm được mức lương như thế. Bởi một nhà thầu có tài giỏi nhưng không thành thật với KH cũng có thể vì vài công trình bị rút ruột mà gây ra hậu quả khó lường đánh bay tiếng tăm lẫn sự nghiệp, hay một kiến trúc sư cao ngạo (như quý ngài Henry Cameron) cũng có thể kết thúc sự nghiệp trong cảnh bần hàn. Và một anh thợ xây như “thầy” Lộc Fuho cũng có thể trở thành một người nổi tiếng, tất nhiên thì “thầy” Lộc sau khi nổi tiếng sẽ nhận được những nguồn thu nhập hơn hẳn mức trung bình của đa số thợ xây rồi. Vậy mức lương của bạn thực chất không được quyết định chỉ bởi cái nghề - cái ngành bạn chọn mà được quyết định phần nhiều bởi cách mà bạn thực hiện công việc của mình (bên cạnh sự tác động của yếu tố cung-cầu trong thị trường lao động). Và để có thể thực hiện công việc của mình một cách không những tốt mà còn xuất sắc, tuyệt vời thì đầu tiên bạn phải thật sự muốn làm công việc đó và sẵn sàng dành thời gian lẫn tâm huyết cho nó. Bạn có thực sự biết tại sao mình muốn làm công việc này hay không? Bạn có khả năng xác định được công việc mà mình thực sự muốn theo đuổi hay không? Vì dù là bất kì công việc hay ngành nghề nào cũng đều có hai mặt của nó cả. Liệu bạn có chấp nhận được việc bản thiết kế mà mình dành mọi tâm huyết để vẽ ra bị KH vứt xó và yêu cầu làm lại theo ý họ hay không? Liệu bạn có chấp nhận được việc sẽ dành tới cả năm hay hàng năm trời để nghiên cứu chuyên sâu về công việc mình định làm hay không? Trước khi đặt câu hỏi How - theo nghề này bằng cách nào hay What - Học nghề này ra rồi làm công việc gì, hãy tự đặt câu hỏi Why cho bản thân mình trước đã. **Tại sao mình lại muốn làm công việc này?** Khi bạn có câu trả lời cho mình rồi thì chúc mừng bạn, có rất nhiều cách để trả lời cho HOW và WHAT nếu bạn biết cách hỏi google. Thực ra mọi câu hỏi how và what cho đa số các vấn đề đều đã có ai đó trả lời trước bạn rồi, việc của bạn chỉ là đưa ra những lựa chọn. Nhưng trước hết bạn phải biết mình thật sự muốn gì đã. Bởi nếu không thật sự biết mình muốn gì thì mọi lựa chọn bạn đưa ra đều không thể khiến bạn cảm thấy thỏa mãn, và rồi bạn sẽ lại kiếm tìm trong vô vọng mà thậm chí không biết mình đang tìm kiếm điều gì. Vậy chốt lại thì, trước khi cắp sách đi học làm chủ thầu, kiến trúc sư hay thợ xây, hãy tự hỏi mình xem **tại sao mình lại muốn học những kiến thức này? tại sao mình lại muốn làm công việc này? tại sao mình lại muốn theo ngành này**? Bởi đó là những câu hỏi không quá khó nhưng lại không ai trả lời thay bạn được ngoài chính bạn. Và một khi bạn bắt đầu hỏi, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời (tuy đôi khi những câu trả lời mà bạn tìm thấy có thể mâu thuẫn với nhau, nhưng hãy cứ hỏi cho tới khi có được câu trả lời bạn thấy hài lòng hơn cả). Rồi sau đó hãy dành tâm sức và sự chọn lọc thông minh để học cách làm hiệu quả. Và cuối cùng là kiên trì thực thi. Bởi một anh thợ xây không thể suốt ngày đi đòi sửa bản vẽ tòa nhà được. Khi đã đưa ra được quyết định, hay thực thi với tất cả khả năng của mình. Chúc các bạn thành công. Mình đi lau kính tiếp đây. p/s: Thật sự cảm ơn bạn Long nói riêng và đội ngũ cán bộ trường J2T nói chung vì đã dành thời gian, công sức để chia sẻ những kiến thức quý giá tới cộng đồng một cách thật tâm huyết. Mình chưa thấy ở đâu mà "hiệu trưởng" nhiệt tình tới mức ngồi kèm "giáo viên" trong buổi dạy đầu tiên như vậy, dù có thể do "vibe" lạc đề của "hiệu trưởng" cũng lây sang "giáo viên" đôi chút . Chúc trường mình sẽ ngày càng nâng cao chất lượng giáo án để giúp đỡ được nhiều học sinh ngơ ngác vào đời vững vàng hơn. Thân ái và #IloveJ2T5000 tái bút: Mình không gọi Long là thầy vì "Học thầy không tày học bạn", các cụ ngày xưa bảo thế mà mình cũng tin như vậy. Và cũng để bạn Long bớt cảm thấy áp lực nặng nề nếu lỡ có thiếu sót trong quá trình "lên lớp". Biết là mình còn thiếu sót chính là cơ hội để nâng cấp bản thân. Chúc bạn nhiều sức khỏe và bớt phát cơm tró trong giờ. - Ếch - #J2T_share
mình rất thích các so sánh mà bác đưa ra cho coder, DBA, DA, nó có bản chất là như vậy, coder cũng như công nhân xí nghiệp nhà máy thôi, chẳng qua họ không lao động chân tay bình thường mà lao động công nghệ cao, chứ về bản chất thì không khác gì nhau