Tắt Quảng Cáo [X] Đăng Nhập để ẩn Tất Cả Quảng Cáo NỖI BUỒN TRÔI BÊN TRONG EM VÀ BÊN NGOÀI EM (khảo cứu, không phải tản văn hồng) . Năm 1774, Goethe xuất bản cuốn Nỗi đau của chàng Werther, kể chuyện anh Werther tự tử, vì một lý do bí ẩn gì đó mà dẫn đến hàng loạt vụ tự tử, khiến cuốn này bị cấm ở nhiều nước châu Âu, đến mức Madame de Staël viết “Goethe gây ra nhiều vụ tự tử hơn cả người phụ nữ đẹp nhất thế giới”. Hiện tượng tự tử lan truyền (suicide contagion) vì vậy còn gọi là Hiệu ứng Werther. Tin tức về một vụ tự tử càng được lan truyền, càng có khả năng trigger những người biết đến tự tử theo. Cái chết của Marilyn Monroe được cho là dẫn đến tăng thêm 12% tức khoảng 200 vụ tự tử trong tháng đó. Cái chết của Choi Jin-Sil được cho là làm tăng tỷ lệ tự tử lên 162.3%. Không cần phải là ngôi sao, cái chết của một người bình thường nhưng ở gần cũng có khả năng trigger. “Ở gần” có thể là quan hệ thân thiết. Một nghiên cứu (John Hopkins, 2010) cho thấy trẻ em dưới 18t có cha mẹ chết vì tự tử sẽ có khả năng tìm cách tự tử cao gấp 3 lần. Sylvia Plath chết vì tự tử - điều đó nhiều người biết - nhưng ít người biết là 46 năm sau con trai bà cũng chết vì tự tử. Sau khi Marilyn Monroe chết, mẹ cô được cho là cũng tìm cách tự tử bằng cách dùng trâm cài tóc tự đâm người. “Ở gần” cũng có thể là khoảng cách địa lý. Năm 2012, binh lính Mỹ tự tử gần như mỗi ngày một người, tổng cộng năm đó là 349 - nhiều hơn cả chết trong giao chiến. Có phải do PTSD không? Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy 52% số binh lính tự tử chưa bao giờ được triển khai, tức là họ tự tử dường như chỉ vì ở gần người khác đã tự tử. Một ví dụ khác, Frank Zenere từng có bài tường thuật về cái chết của 6 thanh thiếu niên trong vòng 13 tháng; 4 trong số đó học cùng trường, 2 học gần đó. Một nghiên cứu ở Đức về chương trình truyền hình Death of a Student năm 1981, trong đó có cảnh quay một nam sinh tự tử bằng xe lửa, cho thấy quả thật trong 70 ngày sau đó tỷ lệ tự tử bằng xe lửa ở nam giới cao hơn 175%. Những người dễ bị tác động nhất là người cùng giới tính và nhóm tuổi với người trên màn ảnh. Nghiên cứu này khẳng định Hiệu ứng Werther rõ ràng đến mức nó ảnh hưởng đến tiêu chuẩn phát sóng truyền hình ở Đức. Ở VN mọi người cứ vô tư truyền tay nhau clip về nam sinh nhảy lầu, trong khi những người đồng cảm nhất với nam sinh này đang ở tuổi teen - vốn là nhóm tuổi có suy tưởng về tự tử rất cao. Việc đưa tin như vậy có khả năng nguy hại tiềm ẩn về tâm lý thì chẳng ai nói năng gì. (Vài ngày vừa qua hình như có dừng lại vì lý do phạm pháp và đạo đức vớ vẩn gì đó?) Tất nhiên vẫn nên bàn về cách thay đổi suy nghĩ của phụ huynh, kỳ vọng của xã hội và cách phát hiện, giải quyết các khúc mắc tâm lý ở trẻ em, trẻ vị thành niên, cũng như đề ra biện pháp can thiệp. Nhưng hầu như ít ai bàn về chuyện đó, toàn là trách móc không. . Khi đọc về những vụ tự tử thành chùm (suicide cluster), tôi cảm tưởng dường như chúng ta là một giống loài rất buồn. Ở động vật chưa bao giờ quan sát thấy hiện tượng tự tử hàng loạt, tự tử riêng lẻ thì rất hiếm và vẫn còn bàn cãi. Để tự tử, một sinh vật phải có khả năng tự nhìn vào bên trong nó, và thấy trong đó toàn là nặng nề, và chẳng có gì đáng kể níu kéo. Động vật nói chung không làm việc đó, chỉ có con người hay nhìn vào bên trong mình. Chúng ta tìm thấy gì ở đó? Chẳng phải chỉ riêng nỗi buồn của đời mình, mà hình như có cả nỗi buồn của người khác - một ngôi sao, một người thân, một người ‘ở gần’. Một số ngôn ngữ có từ đặc biệt để chỉ nỗi buồn riêng của dân tộc họ - nỗi buồn bảng lảng, khó gọi tên, da diết, thăm thẳm, nhớ tha thiết về một điểm bất định. Người Bồ Đào Nha có từ saudade, Wales có hiraeth, Romani có dor, Phần Lan có kaiho, Đức có Sehnsucht, Nga có toska, Nhật có mono no aware. Thường thì hỏi người bản địa, họ sẽ giải thích sắc thái buồn đó cho mình nghe, xong sẽ bảo là không có từ tiếng Anh tương ứng, rồi đưa ra một ánh nhìn đầy ý nhị: “nếu anh không phải người xứ tôi, anh không hiểu được đâu”. Điều đó nghĩa là gì? Chẳng phải là khi một người sinh ra ở một dân tộc, sẽ chia sẻ phần nào nét buồn riêng của cả dân tộc đó sao? Một hôm Plato nhìn đứa trẻ và thắc mắc, tại sao nó nói được nhanh thế, nó học ngôn ngữ bằng cách nào?* Cứ nhìn người lớn vật vã học ngoại ngữ, xong nhìn trẻ con thụ đắc ngôn ngữ vù vù, kể cả những thứ tiếng khó nhằn, ai hẳn không từng thắc mắc như vậy? Câu đố này trong ngôn ngữ học gọi là Plato’s Problem. Lời giải của Plato là, có khi nó không ‘học cái mới’ mà thật ra đang ‘nhớ lại cái cũ’ - hay nói cách khác, bên trong đứa trẻ nhũ nhi là một linh hồn già cỗi (metempsychosis), quá trình nó khám phá cuộc đời thật ra là đang nhớ lại những gì nó đã biết trước khi sinh ra (anamnesis). Người ta hay nghĩ trẻ con sinh ra là tờ giấy trắng, Plato không nghĩ vậy. Sau này Noam Chomsky diễn giải lại ý tưởng của Plato thành Universal Grammar, tức là trẻ con sinh ra được trang bị sẵn “bộ máy” để học ngôn ngữ, bộ máy đó được ghi sẵn trong gen, được truyền lại từ cha mẹ. Nếu đứa trẻ đó được sinh ra với Người Sao Hoả chẳng hạn, nó sẽ không học được tiếng Sao Hoả, vì bộ gen của nó không cho phép. Lý thuyết của Chomsky vẫn mang tính ảnh hưởng rất cao trong giới học thuật. Đọc những lý thuyết này, tôi trộm nghĩ, nếu trẻ con sinh ra không phải tờ giấy trắng thì nó viết sẵn gì trên đó? Nếu trước sinh khi ra, chúng ta đã thừa hưởng bộ máy ngôn ngữ từ thế hệ trước, thì chúng ta còn thừa hưởng thứ gì khác, nỗi buồn của họ chăng? Các nhà khoa học cũng có câu hỏi như tôi, nhưng những nghiên cứu về lĩnh vực sang chấn tâm lý liên thế hệ vẫn còn rất sơ khai. Năm 1966, các nhà tâm lý học Canada nhận thấy con cháu của nạn nhân Holocaust tìm đến chữa trị tâm lý cao hơn gấp 300% so với người thường. Kể từ đó, người ta bắt đầu nhận thấy tỷ lệ sang chấn tâm lý cao hơn đáng kể ở con cháu người Mỹ gốc Phi từng là nô lệ, người Mỹ da đỏ sống sót sau diệt chủng, người sống sót sau chiến tranh, người tị nạn, người sống sót sau bạo lực gia đình v.v. Như vậy, người từng chịu sang chấn tâm lý nặng nề sinh ra con cái, thì đứa con đó có khả năng gặp vấn đề tâm lý cao hơn. Sang chấn đó được lan truyền như thế nào? Có phải chỉ qua dạy dỗ - ví dụ, một anh lính bị PTSD dễ bạo hành con cái, khiến đứa con gặp vấn đề tâm lý, hay còn qua phương thức khác - một thứ gì được ghi sẵn vào mình từ khi sinh ra? Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy con cái của lính Nội Chiến Mỹ từng là tù nhân chiến tranh có nhiều khả năng chết sớm sau 45 tuổi hơn người thường, kết luận rằng sự căng thẳng thần kinh của người cha có thể ảnh hưởng đến đứa con bằng cách tác động đến di truyền biểu sinh (epigenetics). Một nghiên cứu năm 2015 về nạn nhân Holocaust nhận thấy sự tương quan giữa sang chấn trước khi mang thai và thay đổi biểu sinh ở cha mẹ và con cái. Nghiên cứu Överkalix nhận thấy cháu gái của những phụ nữ trải qua nạn đói ở tk19 khi còn trong bụng mẹ trung bình sẽ chết sớm hơn, khả năng là do di truyền biểu sinh. Tưởng tượng: từ khi chưa lọt lòng, mình đã được quyết định dễ chết sớm hơn, vì một nạn đói tổ tiên mình trải qua từ đời thuở nào mình không biết tới. Nếu thế hệ này có kế thừa nỗi buồn từ thế hệ trước, tôi đoán, nỗi buồn của loài người còn kéo dài xa hơn nữa. Nghiên cứu của Alexander Weiss năm 2012 cho thấy tinh tinh và đười ươi dường như có một điểm chùng tâm trạng ở giữa cuộc đời, hay nói cách khác, hình như ở bọn nó cũng có “mid-life crisis”. Đây chỉ là sự trùng hợp với hiện tượng thường gặp trong cuộc đời con người, hay là bằng chứng về sự kế thừa nỗi buồn từ rất lâu, rất xa xôi trong quá trình tiến hoá? (Tôi thường ngao ngán trước những lời khuyên sáo rỗng kiểu “tự tử chẳng giải quyết được gì”, vì người ta thường chẳng biết bao nhiêu về một con người để đưa ra phán đoán như vậy. Người ta thường nhìn một người và nghĩ “tôi biết hết cuộc đời của anh” rồi lên giọng dạy dỗ, nhưng anh biết bao nhiêu về vấn đề của họ, áp lực của họ, môi trường sống của họ, cha mẹ của họ, bộ gen của họ, để giáo điều rỗng không như vậy?) . Đà Lạt vào mưa, làm tôi nhớ “Raindrop Prelude” của Chopin - có lẽ là tiếng mưa nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc. Trong Histoire de Ma Vie, người yêu của Chopin là George Sand kể lại lúc Chopin sáng tác tấu khúc này ở Majorca. Đêm hôm ấy mưa gió bão bùng, Chopin trong cơn ảo giác tưởng chừng mình bị nhấn chìm trong hồ nước. “Trong mường tượng của anh ấy, những hạt mưa trên mái nhà biến thành những giọt nước mắt từ trời rơi xuống trái tim anh”. Nhiều ngôn ngữ hay có liên tưởng mưa như nước mắt của trời, có lẽ vì rất nhiều người nhìn mưa thấy buồn. Người Aztec tk16 để lại bài thơ “Giờ tôi đã biết / tại sao cha tôi / thường đi ra ngoài / và khóc trong mưa.” Paul Verlain tk19 có câu thơ “Trời mưa trong tim tôi / Tựa như mưa trên thành phố.”* Tôi hay nhìn mưa và nghĩ, tại sao mình buồn khi mưa? Ở một thời đại cổ xưa nào đó, biết đâu một tổ tiên nào đó của tôi đã nhìn mưa và thấy buồn, rồi ghi chép nỗi buồn vào tờ giấy trắng là cuộc đời tôi?* . Bụt hỏi Tấm “tại sao con khóc?”, thật ra là đang chạm đến câu hỏi mà các nhà khoa học vẫn đang thắc mắc. Có 3 loại nước mắt: basal (làm ướt mắt), reflex (phản xạ, ví dụ cắt hành), và emotional (tình cảm). Động vật có chảy nước mắt, nhưng chỉ con người mới chảy nước mắt tình cảm. Tức là trong quá trình tiến hoá, vì một lý do gì đó, tự dưng con người phát triển khả năng khóc. Nó phục vụ mục đích sinh tồn gì? Hình như chẳng có mục đích gì cả. Tại sao cho người đối diện thấy sự yếu ớt của mình lại giúp mình sinh tồn được? Ngược lại mới đúng chứ nhỉ. Và thế là các nhà khoa học vẫn đang đề ra giả thuyết giả thuyết, bàn cãi bàn cãi. Theo giả thuyết của tôi, một hôm, một tổ tiên của tôi nhìn sang đứa kế bên: “Anh biết gì không, sinh tồn cũng vui đấy, nhưng tôi đang đau khổ, và tôi cần an ủi, và dù nó có giảm khả năng sinh tồn thì vẫn đỡ hơn phải cô đơn mãi trong nỗi buồn này,” và thế là giọt nước mắt tình cảm đầu tiên ứa ra. Và đứa kế bên đồng ý, và những giọt lệ an ủi ứa ra. Và nước mắt hình thành như một cách để bày tỏ và san sẻ nỗi buồn khi ngôn ngữ chưa thành hình.* Trẻ em hiểu ngôn ngữ của nước mắt từ rất sớm. Theo Vingerhoets, trẻ từ 1 tuổi khi thấy trẻ khác khóc đã sẵn lòng bày tỏ sự an ủi. Ở tuổi mẫu giáo, trẻ em thường an ủi bằng những cử chỉ yêu thương như vuốt lưng, cúi người, nói chuyện thủ thỉ và nghiêng đầu sang một bên. Tác giả Leo Buscaglia kể về một cậu bé 4 tuổi, một hôm thấy bác hàng xóm khóc vì vợ qua đời, cậu bèn trèo sang nhà và chui vào lòng bác. Mọi người hỏi cậu nói gì để an ủi bác, cậu bảo “cháu không nói gì, chỉ giúp bác ấy khóc thôi”. (Cậu được trao giải trong một cuộc thi “đứa trẻ giàu tình thương nhất”.) Thời xửa xưa, người ta trân trọng giá trị của nước mắt hơn nhiều. King James Bible có câu ngắn nhất nổi tiếng chỉ gồm hai từ “Jesus wept.” (Giê-su khóc.), khi Đức Giê-su hay tin Lazarus chết. Đức Mary Magdalene khóc trên chân Chúa Giê-su và dùng tóc lau chân Chúa. Nhiều tên tuổi lớn trong lịch sử tôn giáo cũng khóc lai láng một dòng sông: St Thomas Aquinas, Augustine of Hippo, Bernard of Clairvaux, Saint Francis, Người sáng lập Dòng Tên Ignatius of Loyola và cả cha đẻ đạo Tin Lành Martin Luther đều khóc rất dữ khi cầu nguyện - một vài người trong số đó như John the Baptist, Saint Francis, Ignace of Loyola thậm chí còn bị bệnh về mắt, co thụt mí mắt do khóc quá nhiều. Trong văn tự Ai Cập cổ đại, các vị thần tạo ra con người từ nước mắt. Trong thần thoại Hy Lạp, Prometheus tạo ra con người bằng cách nhào đất sét, không phải với nước lã, mà với nước mắt. Các anh hùng ca cũng mô tả anh hùng đánh trận oai dũng mà vẫn khóc xối xả, Odysseus trong Odyssey và Achilles trong Iliad khóc banh chành trời đất. Trong tiến trình lịch sử, dường như chúng ta lạc lối trong một ngã rẽ nào đó, và bây giờ nhìn nước mắt với sự khinh miệt, đặc biệt là nước mắt ở nam giới. Các cậu bé được dạy dỗ “đàn ông không được khóc” từ khi còn nhỏ, vì chảy nước mắt là biểu hiện của sự yếu đuối, tính đàn bà, trẻ con. Tôi thực sự không hiểu thái độ này lắm, chẳng lẽ Chúa Giê-su khóc là yếu đuối? Hàm hồ. Ở Vatican có một căn phòng dành cho các Đức Giáo Hoàng mới nhậm chức bước vào để khoác áo cassock trắng trước khi ra mắt công chúng lần đầu. Nhiều Đức Giáo Hoàng khi bước vào đó đều khóc, có lẽ vì nhiều cảm xúc lẫn lộn - sự cảm động vì mình được chọn và áp lực quá lớn trước mắt - đến mức căn phòng này còn có biệt danh “Căn phòng nước mắt” (Room of Tears). Nếu bảo Đức Giáo Hoàng là người yếu đuối, thật là điều vớ vẩn nhất thế gian. Tôi thậm chí nghĩ việc dạy trẻ con khinh thường nước mắt góp phần làm cho con người ngày nay vô cảm, lãnh đạm trước nỗi đau của đồng loại. Một nghiên cứu ở Israel cho thấy khi đàn ông ngửi mùi nước mắt phụ nữ, ham muốn tình dục ở họ giảm xuống (Gelstein et al., 2011). Tuy nhiên, một phân tích báo cáo về các vụ hiếp dâm của cảnh sát và toà án cho thấy trong khi bị tấn công, nếu nạn nhân khóc lóc nài xin, thì mức độ bạo hành không giảm bớt, mà còn tăng lên đáng kể, dẫn tới thương tích thân thể trầm trọng hơn (Ullman & Knight, 1993). Nghĩa là tấn công tình dục thật ra không liên quan lắm đến ham muốn tình dục, mà là một kiểu ham muốn thống trị, và nạn nhân càng khóc càng bị thê thảm hơn, chỉ vì “nỗi đau của cô làm tôi phát bực”. [xóa hai đoạn ngắn, vì bài viết dễ bị xóa tự động nếu nhận đủ report từ các bạn không vui, full-ver ở tường nhà mình] . Truyện Tấm Cám có nhiều chi tiết hoá thân kỳ diệu, nhưng tôi nghĩ điều kỳ diệu nhất là câu hỏi của Bụt: “tại sao con khóc?” Chỉ đơn giản có vậy, mà càng sống nhiều tuổi, tôi càng khó tìm thấy người nhìn vào nỗi đau của mình, và tìm cách làm cho tôi bớt đau. Có lần nằm mơ thấy có người hỏi tôi câu đó, tôi tỉnh dậy thấy mình khóc ướt gối. Một cuộc khảo sát hành khách Virgin Atlantic cho biết đến 41% nam giới rúc mình trong chăn để che giấu nước mắt (Baskas, 2011). Chắc vì thái độ khinh miệt nước mắt đối với đàn ông, nên họ giải toả ở những nơi lạ thường như trên máy bay? Dù sao, khi ngủ trên ghế máy bay, tôi thường mường tượng chiếc ghế đã mang nước mắt của ai đó ngồi trước đó. Có thể tôi cũng sẽ khóc, nước mắt hoà lẫn vào mớ kết tụ những nỗi sầu muộn riêng tư của những người xa lạ. Tôi nhớ người Maori ở New Zealand có nghi thức “tangi”: khi tham dự tang lễ, anh không thể chỉ nói suông “I’m sorry for your loss” mà anh phải khóc - nước mắt tựa như cái bắt tay, là cử chỉ giao tiếp, là thứ duy nhất cho thấy anh thực sự chia sẻ nỗi đau của tang gia. Vậy nhưng trong thế giới của tôi, cử chỉ san sẻ nỗi buồn càng lúc càng khó tìm làm sao. . Có lần đạo diễn huyền thoại Kurosawa Akira nói với Stephen Prince: “tất cả những bộ phim của tôi đều nói về một điều duy nhất, là tại sao người ta không tử tế với nhau hơn?” Tôi cũng hay tự hỏi vậy: tại sao ai cũng buồn, vậy mà mỗi lần thấy nỗi buồn của người khác, chúng ta ngoảnh đi, không muốn dính líu vào, hay tệ hơn, chúng ta phát bực? Bản thân Kurosawa không xa lạ gì với tự tử - anh trai rất thân thiết của ông chết vì tự tử. Bản thân ông cũng từng tự tử bất thành. Sau biến cố đó, dường như trong Kurosawa có gì đó thay đổi. Ông không nghĩ đến tự tử nữa, các phim của ông thường mang một chấm sáng về sự sống, cho dù chỉ là một ánh sáng hiu hắt. Ông nổi tiếng với những phim về chiến binh samurai, vốn có văn hoá mổ bụng tự tử, nhưng không bao giờ để cho nhân vật của mình tự tử, dù cùng quẫn đến thế nào. Tôi xem gần hết phim của Kurosawa, trong đó thích nhất 2 phim. Phim Ikiru (Sống, 1952), trong đó ông bác phát hiện mình bị ung thư, chẳng còn sống được bao lâu, tìm cách sống hết mình trong thời gian ngắn ngủi còn lại. Cuối phim là cảnh ông ngồi giữa sân chơi đu xích đu, như một đứa trẻ, giữa trời tuyết rơi. Chắc ông nhớ lại thời mình còn nhỏ. Có bao nhiêu điều trẻ con biết mà người lớn lại quên, như cách vô tư vui và chia sẻ niềm vui, như cách an ủi một bạn học đang khóc dưới tán lá sân trường. Phim kia là Ran (Loạn, 1985), phim hoành tráng cuối cùng của Kurosawa. Cảnh cuối phim, một người mù dò dẫm cô độc bên vách đá, nhìn xuống bãi chiến trường hoang tàn, dưới bầu trời hoàng hôn chao đảo màu đỏ thẫm. Ẩn chứa đâu đó là triết lý về bản tính con người: chúng ta là một giống loài rất buồn, chúng ta là một giống loài rất cô đơn, chúng ta là một giống loài rất không tử tế. ——————- *George Harrison: Rồi đến lúc em sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều là một / Và cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em. (Within you without you) *Plato’s Problem: diễn giải lại của Noam Chomsky. Đúng ra thì Socrates (thầy Plato) hỏi một cậu bé nô lệ về hình học và ngạc nhiên khi cậu này chưa được dạy mà đã biết câu trả lời. *Ở tinh tinh có hiện tượng “rain dance” - khi trời bắt đầu đổ mưa, chúng lắc lư theo nhịp, đập chân vào cây cối v.v. Tức là có phản ứng mạnh với trời mưa, tuy nhiên không ai biết rõ điệu vũ này có ý nghĩa gì. *Những người thực sự biết rõ về người khác - các bác sĩ tâm lý (psychiatrist) - thật ra lại có tỷ lệ tự tử cao nhất (58 đến 65/100.000 so với người thường là 11/100.000 - theo số liệu năm 1973). *Động vật không chảy nước mắt tình cảm, không có nghĩa là chúng không hiểu ngôn ngữ của nước mắt. Nhà dân tộc học người Nga Ladygina-Kohts có nuôi con tinh tinh tên Joni. Đôi khi nó xổng chuồng, cô chủ tìm mọi cách, nhử đủ thức ăn nó cũng không vào. Cách hiệu quả nhất là cô giả vờ khóc. Thấy cô khóc, nó lập tức đi vòng quanh tìm xem đứa nào làm cô khóc thế kia. *Paul Verlain: Il pleure dans mon coeur/ Comme il pleut sur la ville - câu này đọc lên nghe dễ thương, nhịp điệu tí tách như mưa. *Trong nghệ thuật có một bí ẩn, mà tôi đọc bao nhiêu tài liệu không giải thích được: tại sao hiếm khi nhìn thấy nước mắt trong các tác phẩm nghệ thuật. Có RẤT nhiều người tỏ mặt buồn bã, nhăn mặt sắp ứa nước mắt (nhất là trong các tranh cái chết của Chúa Giê-su), nhưng không có giọt nước mắt. The Deposition of Christ, Rogier van der Weyden, c. 1430 là tranh có vẽ nước mắt sớm nhất trong lịch sử hội hoạ phương Tây. Cả trời mưa cũng lạ vậy. Có rất ít tranh về trời mưa. Những tưởng Đại Hồng Thuỷ ít ra cũng là một chủ đề phù hợp cho các tranh tôn giáo, nhưng không, có rất ít tranh mưa gió bão bùng. No idea why. *Ảnh: Bill Gekas chụp con gái anh, Athena. #j2team_share
Biết là hơi lệch quẻ so với không khí chung ở J2Team, nhưng chuyện cũng có liên quan ít nhiều đến tuổi trẻ các thứ
Nhận miễn phí trình duyệt anti-detect vĩnh viễn khi gia nhập nhóm MMO Vui lòng đăng kí hoặc đăng nhập để thấy liên kết tại BigMMO, cùng với bộ công cụ cho các trang web như amazon, ebay, walmart, etsy, homedepot và apple, cùng khả năng điều khiển cookie pumper.|//////////////////////////// Get FREE Here ✔️✔️✔️ Vui lòng đăng kí hoặc đăng nhập để thấy liên kết tại BigMMO
Want to use Amazon Cookie Pumper, eBay Cookie Pumper, Walmart Cookie Pumper or etsy Cookie Pumper tools without spending money? Join the MMO group on Telegram Vui lòng đăng kí hoặc đăng nhập để thấy liên kết tại BigMMO and Facebook Vui lòng đăng kí hoặc đăng nhập để thấy liên kết tại BigMMO to get |//////////////////////////// Get FREE Here ✔️✔️✔️ Vui lòng đăng kí hoặc đăng nhập để thấy liên kết tại BigMMO