Hãy đăng bài và bài viết ca bn s đưc lên top tìm kiếm google

Diễn đàn SEO bài viết lên Google Search tốt nhất

# ** Vài thứ cần chuẩn bị khi lần đầu đi phỏng vấn cho sinh viên**...

Thảo luận trong 'J2TEAM Community' bắt đầu bởi Nguyễn Anh Nhân, 23/4/22.

  1. # **[Chia sẻ] Vài thứ cần chuẩn bị khi lần đầu đi phỏng vấn cho sinh viên**

    *Trong tất cả cuộc chiến tâm lí mà một sinh viên phải đối mặt, có lẽ những cuộc phỏng vấn đầu tiên luôn là "ám ảnh" nhất. Nói ám ảnh, không phải vì nó có gì đấy kinh dị hoặc ghê gớm, mà thực tế, nó luôn mang những trải nghiệm đậm chất "nhớ đời" nhất. Dạo gần đây quay lại với nghiệp viết lách linh tinh, mình muốn chia sẻ cho các bạn một vài kiến thức và kinh nghiệm của mình trong những lần chuẩn bị phỏng vấn lẫn buổi tham gia phỏng vấn.*

    *--*

    **Link bài viết gốc (Do Facebook không hỗ trợ đầy đủ Format cho bài viết): Vui lòng đăng kí hoặc đăng nhập để thấy liên kết tại BigMMO

    --

    Trong bài guide hôm nay, mình sẽ kể cho các bạn nghe phần nào về lần đầu tiên đi phỏng vấn, kèm theo đó là phân tích những điều sai lầm của mình lẫn những thứ mình đã làm đúng. Lưu ý, bài viết có thể dài và lan man, hy vọng rằng các bạn sẽ không quá nóng vội mà để sót thông tin.
    ## Lần đầu đi phỏng vấn

    Hồi mình ra Hà Nội, thực tế là trước khi đi mình cũng chẳng mang nhiều tiền và hồi đó mình cũng không còn dùng tiền của bố mẹ nữa. Thế nên, lúc bước chân ra đây, mình phải tìm ngay cho mình một công việc để tránh khỏi cảnh "chết đói"... Kỳ thực là vậy, hồi mới ra Hà Nội thì việc một mình một cảnh nơi đây nhiều phen khiến mình thực sự xiêu vẹo và chực sụp đổ với vô vàn những thứ mới mẻ đầy khó khăn.

    Để nhanh gọn hóa tất cả những bước cần làm khi tìm job lẫn mục tiêu của mình lúc đó chỉ là kiếm một nơi "không gò bó" để làm part-time hoặc remote, mình đã chọn việc lướt Facebook nhằm tìm chỗ nộp CV. Khá may cho hồi đó, mình có một lượng kiến thức đủ lẫn kinh nghiệm làm việc trong các sản phẩm công nghệ giáo dục nên nhanh chóng được accept CV cho một trung tâm dạy ngoại ngữ (tiếng Trung) sau chỉ nửa buổi nộp sơ yếu lí lịch. Chi tiết vụ nộp CV này, có lẽ mình sẽ nói sau vậy, nhưng cũng có vài chỗ hay ho để các bạn có thể đọc chơi cho vui.

    Sau khi CV đã được chấp nhận, mình đã viết một cái email khá dài với văn phong "gãy gọn" để xác nhận thông tin với bên tuyển dụng cũng như thống nhất với nhau về thời gian và địa điểm phỏng vấn. Thú thực, ngày đó bên tuyển dụng cũng chỉ là một trung tâm nhỏ cho nên quy trình tuyển dụng của họ cũng không được cho "chuyên nghiệp" lắm. Mình trực tiếp được trao đổi với giám đốc cũng như chốt thông tin ngay để cách đó 2 hôm là phỏng vấn.
    ## Confirm Letter

    Về cái việc viết thư trả lời cho email mời phỏng vấn, có một số điểm lưu ý sau đây mà các bạn phải đặc biệt lưu ý. Quan điểm của mình trước giờ khi đi làm (và cũng thấy ở rất nhiều người như vậy), đó là cái nhìn đầu tiên luôn là cái nhìn quan trọng nhất trong công sở. Có thể quan điểm này sẽ khác trong từng trường hợp, tuy nhiên, hãy hạn chế những "nguy cơ" xuống thấp nhất có thể và xem việc viết thư trả lời cũng vô cùng quan trọng, dù bạn có chấp nhận việc đi phỏng vấn hay không. Những điều cần đáp ứng được trong cái email đó có thể liệt kê như sau:
    * Xưng hô đúng với thứ bậc, độ tuổi và hạn chế dùng những ngôi "xa cách" như "tôi". Điều này nghe có vẻ buồn cười, nhưng như mình đã nói, một người tạo thiện ngay từ đầu sẽ dễ "thâm nhập" môi trường hơn. Với những người đã chủ động xưng bạn, thì bạn vẫn có thể chấp nhận xưng em như một sự nhún nhường, không sao cả. Chấp nhận hạ thấp cái tôi để học hỏi mọi thứ trên đời.
    * Chia bố cục của thư trả lời như một lá thư Formal bình thường. Có nghĩa là có mở đầu, có tiếp nhận vấn đề, có trao đổi thêm thông tin, có nêu ý kiến (nếu có), và có kết thư. Bạn cũng có thể bổ sung thêm phần Signature cho lồng lộn cũng được nhưng cái này không bắt buộc.
    * Chú ý font chữ, đừng để chỗ chữ to, chỗ chữ nhỏ.
    * Không để sai chính tả, check lại vài lần trước khi nhấn gửi.
    * ĐẶC BIỆT chú ý tiêu đề của Email, luôn nhớ là để ngắn gọn thôi và phải mạch lạc. Ví dụ: "[Confirm] Xác nhận đề nghị phỏng vấn", hoặc "Thư đồng ý phỏng vấn", ... Mình không có chuẩn chung cho việc này, nhưng làm sao cho nó vừa ngắn, vừa đầy đủ và trông chuyên nghiệp là được.
    * Để ý thời gian nếu như đề nghị thời gian khác so với thời gian họ yêu cầu. Tránh khoảng thời gian trước 8h30, 10h-14h30, sau 17h. Tối ưu nhất là phỏng vấn khoảng 9h30 sáng, vì đó là thời gian họ có nhiều năng lượng và dễ tiếp nhận các vấn đề nhất (hihi). Với một số vị trí thì người ta phỏng vấn lúc nào cũng được, nhưng đó là khi bạn vươn tới các vị trí "họ cần mình" hơn là "mình cần họ" cơ.
    * Chú ý các email có CC và BCC, một số nhà tuyển dụng để thư gửi hàng loạt cho các ứng viên khác, nếu bạn không cẩn thận thì lúc phản hồi có thể sẽ reply cho cả các ứng viên khác nữa. Lỗi này không phải do bạn, nhưng cũng nên tránh.

    Xong phần confirm letter, giờ sẽ là chuẩn bị cái đầu và ăn mặc gì hôm đi phỏng vấn?
    ## Chuẩn bị kiến thức và nội dung

    Tùy từng loại chuyên ngành mà kiến thức cần chuẩn bị sẽ có những sự khác nhau rõ rệt, tuy nhiên, chung quy lại là các bạn không thể gấp rút học một cái gì đó trong thời gian quá ngắn (cỡ vài ngày tới một tuần) mà trở nên master nó được.

    Mà nếu không master được, thì chênh lệch một tí trong buổi phỏng vấn có khi cũng không tạo nên nhiều giá trị. Vậy thì thực sự, việc chuẩn bị kiến thức trong giai đoạn "tiền phỏng vấn", không phải là quá quan trọng như mọi người vẫn tưởng.

    ***Tuy nhiên, nhắc lại kiến thức cũ thì có quan trọng.***

    Điều này có nghĩa là trong suốt thời gian mà bạn sắp đi phỏng vấn, hãy "thực hiện hóa" các kiến thức cũ và cố tìm ra nhiều điều "thú vị" trong khi làm việc với chúng.

    Lưu ý đặc biệt sự "thú vị" này, vì nó chính là một chất liệu "ngàn vàng" để cứu lấy chúng ta trong thế khó.

    Hồi mình đi phỏng vấn, mình đã học lại một chút về PHP cơ bản và JavaScript cơ bản, để bổ sung những điều có thể mình đã bỏ sót trong quá trình sử dụng chúng. Học của mình, tức là nghĩ ra một ý tưởng nào đấy rồi dùng kiến thức mà làm, chứ không phải đọc.

    ***Không ai trở nên tài giỏi trong một ngày hay một tuần.***

    Có một sự thật, đó là nhiều người vẫn tưởng nếu "đọc" càng nhiều, càng rộng về nội dung mình sắp phỏng vấn thì họ sẽ có nhiều cơ may "đậu phỏng vấn" hơn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm không đúng cho lắm. Điều không đúng ở đây, đó là việc "đọc" nó không mang lại hiệu quả nhiều trong lĩnh vững liên quan tới CNTT. Điều thứ hai là bạn "biết" không có nghĩa là bạn hiểu, và bạn hiểu chưa chắc là bạn đã có thể áp dụng...

    Vậy thì, người ta sẽ chú ý gì và mình cần chuẩn bị gì nếu bản thân mình không giỏi?

    Nắm chắc điều mình biết, và biết điều mình không biết.

    Hồi lần đầu mình đi phỏng vấn, mình biết rằng cái trung tâm đó không có chuyên viên IT nào nên mình lựa những vấn đề IT dễ hiểu nhằm giải thích cho họ điều mình có thể làm. Sau này mình đi làm ở các công ty chuyên về công nghệ, mình lại lựa chọn những điều mình biết và học hỏi được, sau đó tìm mối liên kết với công ty để bảo với họ rằng mình muốn học hỏi gì từ họ.

    Bạn biết đấy, thời điểm này bạn có cố học thêm cũng không giải quyết được gì, nhưng nếu khôn khéo biến thứ mình biết thành lợi thế và biến điều mình không biết thành sự ham học hỏi, thì nó sẽ giúp được bạn rất nhiều.

    Mình sẽ nói kỹ hơn về những thứ "nên nói" trong buổi phỏng vấn ở phần sau của bài viết.
    ## Ăn mặc gì khi đi phỏng vấn?

    Xin lưu ý, phần này không dành cho các anti fan của các hãng thời trang, cũng không dành cho các tín đồ của các hãng thời trang... Vì nó chả liên quan gì nhiều tới thời trang cả, hoặc chỉ liên quan trên một số phương diện rất "phiến diện".

    Đại khái trước kia ông anh mình bảo là, "mặc như nào cho vừa, cho không luộm thuộm là xong". Đúng vậy, thực tế khi ứng viên đi tuyển dụng các mảng về kinh doanh thì người ta mới để ý tới trang phục nhiều, còn với dân IT thì mặc đủ quần áo, biết nói tiếng người một cách thành thạo cũng như không có các hành vi quá khích trong buổi phỏng vấn đã là điều "đáng trông chờ" rồi :v.

    Đùa vậy, nhưng cũng có một số điểm sẽ "hỗ trợ" phần nào cho buổi phỏng vấn:
    * Mặc quần áo vừa vặn với bản thân, không nên mặc quần áo rộng. Có thể mặc hơi chật một chút để khiến cơ thể có cảm giác tự tin hơn.
    * Nên mặc đồ công sở, theo lối cổ điển như quần âu áo sơ mi. Tóc không cần vuốt keo, nhưng chải lại cho gọn gàng chút. Bạn nào tóc dài thì nên buộc lại.
    * Giày thì tránh đi các loại giày màu sắc sáng quá, tốt nhất là đi các loại giày có thể phối với đồ âu thì càng tốt. Một số đôi giày thể thao có thể xử lí gọn vụ này.
    * Mặc đồ thể thao đi phỏng vấn cũng được, nhưng phải là áo dài tay và quần dài nhé.

    Cái này thì là tùy ở style và bản thân bạn, việc ăn mặc gì là lựa chọn mỗi người, mình không can thiệp. Nhưng với cương vị một người đi phỏng vấn, việc thấy ứng viên ăn mặc chỉn chu đôi khi cũng khiến cuộc trò chuyện trở nên thoải mái hơn.
    ## Thời điểm nào thì di chuyển?

    Đây là một bài toán khó, bởi vì nó không có lời giải cố định và yêu cầu nhiều sự cẩn thận. Tất nhiên nếu bạn có dư sự cẩn thận thì nó không khó :v Nhưng mà, đời luôn có những biến số không lường trước, và việc không lường trước được thì dễ "hại thân, hại thận". Vậy nên, mình đưa cả phần này vào bài viết...

    Trước tiên, hãy tính cự ly và quy đổi ra thời gian, ở các thành phố lớn thì nhớ chú ý cả khung giờ cao điểm. Nếu khung giờ cao điểm, lên Google Maps, đo thời gian di chuyển theo trục đường chính và nhân lên 1,5 lần. Đó là thời gian ước lượng cơ bản cho việc di chuyển dự kiến.

    Nếu giờ cao điểm thì cứ nhân 2 lên cho chắc cú cũng được.

    Về thời gian tới nơi, nên tới trước khoảng 5 phút, chỉ 5 phút thôi không hơn không kém. Lí do là vì?

    Là vì nếu đến sớm, bạn sẽ dễ có cảm giác hồi hộp. Cái sự hồi hộp này đến từ cả việc phải chờ đợi lẫn sự lo lắng cho cuộc trò chuyện sắp xảy đến. Mình có một tips nhỏ ở chỗ này, hãy ăn nhẹ buổi sáng, không no hẳn mà dư bụng cho nó hơi hơi đói xíu. Nếu bạn có đến sớm thì ra ngồi quán trà chanh lướt Facebook một tẹo.

    Thời điểm trước khi vào phỏng vấn, không nên đọc lại kiến thức hay làm bất kỳ điều gì nữa. Chỉ cần giữ cho đầu óc vẫn còn thoải mái là tốt.

    Trong trường hợp có điều gì không may xảy ra, hãy chắc chắn nó xảy ra trước giờ phỏng vấn sớm một chút (tùy sự sắp xếp và quản lí rủi ro của bạn :v), nhưng, nếu có gì xảy ra thì nhớ thông báo lại cho bên tuyển dụng sớm ít nhất 15 phút.

    Và nhắc lại, hãy đến trước và chờ trong khoảng 5 phút.
    ## Mang gì theo khi đi phỏng vấn?

    Đi phỏng vấn, trước tiên hãy mang theo một bản in CV của bạn. Nên chọn các dịch vụ in chất lượng cao, nhất là chất lượng giấy để tránh nó có bị gập khi di chuyển hoặc vô tình nhàu nát.

    Bạn sẽ cần mang cả laptop nếu họ muốn "test" bạn ngay ở địa điểm phỏng vấn. Rất nhiều nhà tuyển dụng sẽ hỗ trợ luôn cho bạn cả thiết bị, nhưng lưu ý rằng ở nơi lạ lẫm như thế, được làm việc trên chiếc máy tính thân thuộc luôn khiến bạn thoải mái hơn.

    Và còn nữa, ai biết có khi nào key binding trên máy tính đó lại lạ hoắc thì làm sao @@

    Còn nữa, hãy mang theo một cây bút và một cuốn sổ nhỏ, tuy nhiên đừng đặt chúng lên bàn mà chỉ để sẵn trong túi hoặc ba lô. Bạn có thể sẽ cần sử dụng tới chúng trong một số trường hợp cần tư duy tính toán, vẽ sơ đồ hoặc đơn giản hơn là viết ra giấy để giải thích cho họ cách hoạt động của một thứ abc, xyz gì đó...

    Nhớ là đừng có đặt lên bàn :v không thì trông bạn như thể đang đi tra khảo đấy.
    ## Đi phỏng vấn không phải đi thi

    Hầu hết mọi người đều lo lắng quá mức cho buổi phỏng vấn và thường là xem nó như một kỳ thi. Tất nhiên đây là một điều dễ hiểu khi mà phỏng vấn chia sẻ với thi cử nhiều điểm chung: Như sự đánh giá, sự chuẩn bị, sự mong chờ, kết quả, ...

    Tuy vậy, từ bước chuẩn bị lẫn khi bước chân tới nơi phỏng vấn, luôn nhớ rằng bạn tới đây để thể hiện, để chứng minh, để tìm những người làm việc cùng chứ không phải là để họ tra khảo (tất nhiên tra khảo là quyền của họ, nhưng có để buổi nói chuyện thành tra khảo không là quyền của mình :v).
    ## Câu chuyện trong buổi phỏng vấn

    Mình luôn chú trọng câu chuyện để kể, và mình luôn sống theo phương châm phải có được một câu chuyện để mà kể.

    Điều đó có nghĩa là, tại nơi phỏng vấn, hãy kể câu chuyện cuộc đời của bạn. Như mình đã nói, có biến cuộc phỏng vấn thành buổi tra khảo hay không là quyền tự quyết ở bạn vì về cơ bản, bạn phải là người làm chủ được câu chuyện và dẫn dắt nó được phần nào.

    Nếu bạn được nói nhiều, có nghĩa là bạn đang làm tốt, hãy nhớ điều đấy.

    Những câu chuyện nên kể trong buổi trò chuyện:
    * Hành trình học hành, thành người, tìm thấy đam mê.
    * Những câu chuyện bản thân đã vượt qua khó khăn (cuộc đời).
    * Lần đầu tiên được teamwork.
    * Những cảm giác đầu tiên khi đến với công nghệ, có những khó khăn nào đã gặp phải, tại sao vẫn trụ vững.
    * Dự án độc lập đầu tiên.
    * Những thành tựu đáng tự hào.
    * Chân lí sống, phương châm sống (ngắn gọn và nên liên quan tới chủ đề của buổi phỏng vấn).

    Có rất nhiều câu chuyện để một người có thể kể, từ việc buồn hồi bé, tới việc vui hồi choai choai, hoặc việc tự hào ngày đã lớn. Người càng già, sẽ càng có nhiều câu chuyện để kể, nhưng nếu chưa già thì nhiều trải nghiệm cũng sinh ra lắm thứ để kể.

    Người tự tin với cuộc đời mình, cho mọi người hiểu họ tự tin với lựa chọn của họ luôn có sức thuyết phục cao trong buổi phỏng vấn.

    Vậy nên, những câu chuyện trong buổi phỏng vấn luôn là những thứ được đặt làm nền móng để tạo ra một sự tin tưởng nhất định ở nhà tuyển dụng, nếu chưa tính tới kiến thức chuyên môn.

    Nếu bạn đã kể hết những thứ mà người ta thắc mắc, nói tuốt tuồn tuột những thứ mà người ta muốn biết, mong biết và chờ được biết, thì việc test trình độ là thừa thãi. Câu chuyện sẽ là thứ truyền tải "chính bạn" một cách chân thực, rõ nét và "dễ hấp thu" đối với nhà tuyển dụng.
    ## Test trình độ

    Với đa số các công ty mình từng tham gia phỏng vấn, họ đều cho mình pass luôn phần test trình độ :v, điều này có liên quan trực tiếp tới những câu chuyện mình kể. Tuy vậy, mình cũng từng trải qua cái này rồi...

    Với việc test trình độ, nếu bạn làm được, hãy đừng thần thánh hóa cách làm của mình. Điều này có nghĩa là trường hợp bạn chọn được 3 - 4 cách để giải quyết vấn đề thì hãy chọn cách nào "mình hiểu nhất" chứ đôi khi không phải là cách tối ưu nhất.

    Điều này là thực sự ý nghĩa nếu như bạn muốn trình bày bổ sung về cách thực hiện lẫn nguyên lí của nó.

    Với những phương án khác mà bạn có, bạn cũng có thể "nói miệng" với người giám sát để họ hiểu rằng bạn có thể thực hiện những cách tốt hơn. Tuy nhiên, việc bạn là người "cẩn thận", nên bạn sẽ chọn cách mà bạn hiểu tường tận.

    Còn với trường hợp bạn "không nghĩ ra cách", hoặc quên cái gì đấy, hãy chắc chắn rằng buổi test cho phép bạn sử dụng Google. Nếu được dùng Google, cố giải thích nguyên nhân tại sao phải dùng Google, vì thời nay dev ai cũng dùng StackOverflows nên bạn không có gì phải quá ngại ngùng cả :") Tuy vậy, không nên "cái gì cũng search" - đương nhiên.

    Trường hợp không cho dùng search, trước khi thông tin rằng bạn không có đáp án, hãy thử hỏi thêm với bên phỏng vấn thử xem có vấn đề gì với đề bài không? Có thê giải thích được thêm gì không?

    Với các vấn đề liên quan tới "business" thì điều này sẽ hiệu quả, tuy nhiên nếu dính vào các thuật toán hoặc vấn đề kỹ thuật thì tới đây bạn nên đầu hàng và chấp nhận với họ về thiếu sót của mình.

    Đừng quên hứa sẽ bổ sung và khắc phục thiếu sót.
    ## Hậu phỏng vấn

    90% người đi phỏng vấn ở các công ty vừa và nhỏ đều tự nhận ra kết quả phỏng vấn ngay khi bước chân đi ra ngoài. 10% chắc là chờ vào sự hên xui. Cơ mà đúng vậy, qua thái độ lúc phỏng vấn lẫn những thông tin trao đổi, bạn có thể dễ dàng nhận ra được khả năng trúng tuyển của mình.

    Tuy vậy, trước khi ra ngoài, hãy nhớ những điều này:
    * Không vội vàng đứng dậy ra về khi họ bảo kết thúc buổi phỏng vấn. Nên cảm ơn, sau đó hỏi về thời gian nhận được phản hồi.
    * Nhớ dọn dẹp những đồ dùng cá nhân nếu như có để bất cứ thứ gì ra bàn hoặc ghế. Sắp gọn lại ghế trước khi quay lưng ra khỏi phòng.
    * Trước khi ra khỏi phòng thì chào hỏi cho lễ phép. :|
    * Đóng cửa không đóng mạnh, nếu có buồn quá hoặc vui quá vẫn phải giữ tinh thần ổn định và cư xử đúng đắn. (thời điểm này là thời điểm tăng khả năng trúng tuyển của bạn, đừng làm gì sai lầm)

    Sau khi về nhà, hãy viết thư cảm ơn với format như lúc viết thư nhận lời mời phỏng vấn. Mọi hành động "lịch thiệp" trong thời điểm hậu phỏng vấn đều phần nào giúp bạn có tỉ lệ đậu cao hơn.
    ## Lời kết

    Không có một công thức nào cho chiến thắng, cũng không có lời khuyên nào đúng đắn hoàn toàn trong trường hợp này. Tuy vậy, trên đây là một số điều mà mình có thể giúp các bạn có được sự tự tin cao hơn kèm theo là những thứ kéo bạn tránh khỏi những sai lầm không đáng có. Với cương vị một người từng đi phỏng vấn lẫn phỏng vấn rất nhiều người, mình hy vọng rằng những kiến thức lẫn góc nhìn của mình sẽ giúp các bạn ít nhiều trong tương lai (có thể gần hoặc xa).

    Bài hôm nay hơi dài, cảm ơn các bạn đã đọc hết. Hẹn mọi người ở những phần tiếp theo với series "Sống với nghề lập trình".

    --

    #j2team_share #j2team_knowledge
    [​IMG]
     
  2. Hồ Phương vào đọc cho bằng hết đi m